Những lỗi thường gặp trong quy trình làm bánh dẻo Trung Thu
Tiếp tục với chủ đề trung thu, Bánh Dẻo là một món bánh rất được chuộng tại Việt Nam và luôn là một món bánh không thể thiếu trong mâm cúng rằm trung thu. Một số lỗi thường gặp trong công đoạn làm Bánh Dẻo Trung Thu được trainghiemlambanh.com viết trong bài viết lần này sẽ vô cùng có ích đối với những bạn đang tập làm bánh dẻo trung thu hoặc đang gặp khó khăn trong công cuộc chinh phục chiếc bánh xinh đẹp này.
Những chiếc bánh dẻo Trung Thu homemade bao giờ cũng mang ý nghĩa hơn rất nhiều so với những chiếc bánh dẻo mua ngoài hàng phải không nào? Tuy nhiên, để có thể tự làm ra thành phẩm bánh hoàn hảo thì không hề dễ mà còn đòi hỏi cả một quá trình miệt mài trong căn bếp. Bởi lẽ, bất cứ lúc nào người làm bánh cũng có thể đối mặt với những vấn đề xảy ra trong các bước thực hiện. Để giúp bạn khắc phục vấn đề đó, trainghiemlambanh.com sẽ đưa ra các lỗi thường gặp khi làm bánh dẻo cũng như cách khắc phục trong bài viết dưới đây. Tham khảo ngay nhé!
1. Bánh dẻo bị nhão
Bánh dẻo có ngon, có đủ độ dẻo hay không sẽ phụ thuộc chủ yếu vào công thức với cách chia tỉ lệ bột, nước đường và cách cảm nhận bột của người làm. Trong đó, sử dụng nguyên liệu bột và nước với tỷ lệ không chính xác sẽ là nguyên nhân chính khiến cho bánh bị nhão. Ở một vài trường hợp, bạn đã thực hiện đúng theo công thức nhưng vẫn không thành công thì cũng có thể do loại bột bánh dẻo đang sử dụng có kết cấu khác với công thức nên độ hút nước khác nhau (thông thường bột mới sẽ hút ẩm ít hơn so với bột đã để lâu, bột có lượng protein cao sẽ hút ẩm nhiều hơn so với bột có có lượng protein thấp).
Vì vậy, đôi lúc công thức là 100 gram bột nhưng lượng bột thực tế sử dụng có thể cao/thấp hơn 5-20 gram hoặc hơn.
Cách khắc phục: Bạn chỉ nên cho thêm từng lượng bột nhỏ vào cho đến khi cảm nhận được kết cấu đủ độ dẻo chứ không đổ hết hoàn toàn lượng bột trong công thức vào trộn. Bên cạnh đó cũng cần lưu ý không nên để bột nghỉ hoặc đợi trong thời gian quá lâu vì điều này cũng làm cho bột trở nên chắc dần theo thời gian, đóng khuôn tạo hình không được sắc nét nữa.
2. Bánh dẻo bị khô
Một trong những lỗi thường gặp nhất trong quá trình làm bánh dẻo chính là vỏ bánh bị khô. Nguyên nhân chính gây ra vấn đề này là do cho quá nhiều bột khô lúc trộn bột bánh dẻo. Ở giai đoạn đầu, khi trộn vỏ bánh dẻo sẽ rất nhão. Sau đó càng trộn vỏ càng dẻo và đứng hơn do bột nếp (bột bánh dẻo) trong công thức bắt đầu hút nước (nước đường trong công thức), chính vì vậy mà thông thường bột nếp trong công thức thường được chia làm 2 công đoạn: 1 phần bột nếp trộn với nước đường và 1 phần bột nếp nhào với phần bột dã được trộn với nước đường. Ở giữa 2 công đoạn này sẽ có 1 khoảng thời gian tầm 3-5 phút cho bột nghỉ trước khi được nhào với phần bột thứ 2, thời gian nghỉ này chính là để bột nếp có thời gian nở ra và hút nước giúp bột dẻo hơn trước khi được nhào với phần bột tiếp theo.
Cách khắc phục: Bạn nên áp dụng công thức làm bánh dẻo một cách linh hoạt. Bởi lẽ, nhào bột không chỉ dựa vào công thức mà còn thông qua cách cảm nhận bột của từng người. Khi thấy bột nhào hơi bị khô thì có thể thêm một chút nước đường vào và trộn tiếp. Quá trình trộn cũng cần thực hiện cẩn thận, đều tay và không nên nhào quá lâu làm bột bị chai, cố gắng làm nhanh tay nhất có thể đến khi thu được khối bột quyện vào nhau.
3. Bánh dẻo không sắc nét
Lỗi phổ biến tiếp theo trong quá trình làm bánh dẻo là thành phẩm thu được không được sắc nét. Có ba nguyên nhân chính gây ra điều này là trộn bột sai, nhồi bột quá kĩ khiến bột bị chai và chất lượng khuôn đóng bánh.
Cách khắc phục: Chỉ nên nhào bột cho đến khi bột thành khối mịn dẻo sau đó đem đi đóng bánh ngay. Trường hợp làm bánh với số lượng lớn nhưng tốc độ thực hiện chưa được nhanh thì nên chia thành nhiều lần trộn bột. Do bột đã trộn để ở ngoài nhiệt độ thường quá lâu càng dễ bị chai và rất khó đóng bánh. Ngoài ra, để bánh được sắc nét nhất thì bạn nên chọn lựa những chiếc khuôn có hoa văn sâu.
Bên cạnh những chiếc bánh truyền thống với hoa văn cầu kỳ và đòi hỏi kinh nghiệm của người làm thì bánh dẻo có hình thức biến tấu cũng là ý tưởng tuyệt vời dành cho những người mới học. Trong đó, bánh dẻo với lớp nhân được se dài được cuộn bởi lớp vỏ dai mịn cùng tạo hình ngộ nghĩnh sẽ chiếm được cảm tình nhất định đối với bất kỳ ai khi thưởng thức.
4. Bánh dẻo không trong
Thông thường, bánh dẻo truyền thống chỉ cần để qua một ngày là lớp vỏ đã có độ trong mà mắt thường có thể dễ dàng nhận biết được. Tuy nhiên, bánh của bạn làm vẫn đục như ngày đầu thì rất có thể nguyên nhân là do sử dụng quá nhiều bột áo. Điều này khiến vỏ bánh dẻo không có đủ nước để làm ẩm hết lớp áo này, không chỉ làm mất điểm thẩm mỹ của thành phẩm thu được mà còn rất dễ khiến cho nhân bánh bị khô đi vì vỏ bánh hút mất chất lỏng bên trong nhân.
Cách khắc phục: Chỉ nên dùng ít bột áo chống dính và xoa nhẹ đến khi chỉ còn một lượng bột áo thật mỏng trước khi đóng khuôn, hoặc có thể dùng chổi lông nhỏ quét nhẹ đi lớp bột rồi hãy cho vào khay bảo quản.
Ngoài ra, để tăng thêm phần hấp dẫn cho chiếc bánh dẻo handmade, bạn hoàn toàn có thể sử dụng bột trái cây để tạo màu. Điều này cũng làm mùi vị của chiếc bánh thơm ngon hơn so với cách làm truyền thống với màu trắng đơn điệu. Trong đó, bột trái cây Vital Plus sản xuất nhờ phương pháp sấy phun hiện đại được chúng tôi ưu tiên giới thiệu đến bạn đọc trong nhiều công thức bánh dẻo với ưu điểm tiện lợi và an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Bột Dâu Tây Vital Plus Và Bột Mâm Xôi Vital Plus
5. Bánh dẻo nhanh thiu
Nguyên nhân khiến cho chiếc bánh dẻo nhanh thiu có nguyên nhân chính là do lượng đường trong nhân và vỏ bánh. Ngoài ra, nhân bánh được sên quá mềm, nhiều nước cũng sẽ khiến cho thành phẩm bánh thu được nhanh hư hỏng. Vỏ bánh và nhân bánh làm ít ngọt thông thường có hạn sử dụng ngắn hơn bánh có độ ngọt nhiều.
Cách khắc phục: Chắc chắn rằng đối với bánh dẻo ngọt thì để được lâu và ít bị thiu hơn so với bánh ít ngọt. Để có thể khắc phục vấn đề này, bạn nên chọn những liệu nguyên liệu khô và khó bị ôi thiu. Không chỉ vậy, cần ước lượng tỉ lệ đường phù hợp để kéo dài thời gian bảo quản mà không làm vị bánh bị ngọt hắc.
Để bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về cách làm bánh dẻo trung thu, xin mời xem qua cách làm của 2 loại hình bánh dẻo của trainghiemlambanh.com:
Bánh dẻo trông trăng: Sử dụng khuôn nhấn lò xo
Bánh dẻo cuộn trung thu: Không cần khuôn, tạo hình hoàn toàn bằng tay
Trên đây là tổng hợp một số lỗi phổ biến khi làm bánh dẻo tại nhà mà trainghiemlambanh.com đã tổng hợp được. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho bạn đọc trong quá trình làm ra những chiếc bánh dẻo thơm ngon hoàn hảo dành tặng cho gia đình mình vào dịp lễ Trung Thu. Chúc các bạn thành công!
Xem thêm