Bánh Qui dừa truyền thống - nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của người dân Nam bộ.

Ông bà ta thường nói:   


“Bánh ít trao đi, bánh qui đổi lại
Có qua có lại mới toại lòng nhau”

Khi nói đến bánh qui, ai cũng sẽ nghĩ ngay đến món bánh quy ở châu Âu giòn rụm, có màu vàng và rất thơm bơ. - còn được gọi là cookies. Nhưng bạn có biết ở Việt Nam chúng ta, có một loại bánh qui với vỏ ngoài được làm từ bột nếp, bên trong là nhân dừa? Món bánh này khi ăn, vỏ bánh sẽ dai như bánh ít nhưng lại thơm mùi lá dứa, hòa quyện vị béo thơm của nhân dừa, tạo nên dấu ấn ẩm thực đậm nét của người dân Nam Bộ 

Hãy cùng trainghiemlambanh.com tìm hiểu thêm về món bánh Quy dừa truyền thống này để khám phá nét đẹp ẩm thực của miền Tây Nam Bộ nhé.  

1. ĐÔI NÉT VỀ BÁNH QUI DỪA

1.1 Tìm hiểu về nguồn gốc của bánh qui dừa

Cho đến nay, chưa có thông tin chính xác tuyệt đối về nguồn gốc của món bánh qui dừa. Bánh có thể ra đời trong quá trình khai hoang vùng đất mới, hoặc có thể xa xưa hơn nữa. Nhưng dù được ra đời trong hoàn cảnh nào, thì Bánh Qui dừa cũng đã có chỗ đứng riêng của mình trong bản đồ ẩm thực người miền Tây. Bánh được làm từ nguyên liệu cơ bản nhất hầu như luôn có sẵn trong mỗi gian bếp, chính là bột nếp. Nhân bánh được làm từ rám dừa pha với đậu phộng giã nhuyễn hoặc chỉ đơn giản là đậu xanh sên.

1.2 Bánh qui dừa được dùng trong những dịp nào?

Chữ “qui” trong bánh qui chính là con rùa - một linh vật trong tứ linh Long – Lân – Quy – Phụng, quy cũng có nghĩa là “dài lâu”  nên bánh quy được xem là món bánh trường thọ. Bánh được dùng để dâng lên cúng trên bàn thờ vào những dịp lễ Tết, tiết Thanh Minh, tết Đoan Ngọ, đám giỗ, sẽ mang ý nghĩa như một cầu chúc mọi điều may mắn tốt lành đến gia chủ. Trong dịp lễ tết, bánh được dùng đảnh lễ tới ông bà tổ tiên, dâng lên những người cao tuổi trong gia đình để tỏ lòng hiếu kính.

Ngoài ra, bánh Qui cũng là món bánh phổ biến trong đời sống hàng ngày của người dân Nam Bộ. Bánh thường được làm để đãi khách, là món bánh để ăn chơi khi buồn miệng hay dùng làm món ăn tráng miệng sau mỗi bữa cơm.

Đối với người nông dân, bánh qui có thể là một bữa ăn phụ để giúp họ có thêm năng lượng tiếp tục làm cho xong công việc phát cỏ, cày bừa còn đang dang dở. Bánh Quy cũng thường được chọn làm món quà ý nghĩa mang đậm mùi vị quê nhà cho những người con xa quê,  hay gởi đến những vị khách lần đầu ghé thăm miền Tây.

1.3 Hình dáng đặc trưng của bánh

Có thể bắt nguồn từ tên gọi mà người làm bánh có xu hướng tạo hình chiếc bánh qui dừa mang dáng dấp của 1 chiếc mai rùa nhô lên cao. Ngày nay đa phần mọi người đều dùng khuôn để tạo hình bánh với mặt trên trơn láng hoặc có hoa văn chữ, viền khuôn được dập sọc tạo nên những đường vân ở chân bánh nhìn khá đẹp mắt.

Tùy theo thói quen, sở thích, thợ làm bánh có thể tô điểm thêm cho chiếc bánh bằng những chấm đỏ phía trên. Chấm đỏ có thể là một cách trang trí hoặc đucợ dùng để phân biệt các loại nhân bánh khác nhau.

Bánh sẽ có màu xanh lá từ lá dứa, màu tím từ lá cẩm, màu cam từ gấc, màu trắng là màu gốc của bột tùy vào sự yêu thích màu sắc và mùi vị của người làm bánh. Khi ăn, bạn sẽ nhận thấy vỏ bánh có vị dai đặc trưng của bột nếp, vị ngọt của đường được ướp trong dừa, vị béo nhẹ của phầm rám dừa trong nhân, ngoài ra còn có cả vị bùi bùi của đậu phộng xen lẫn phần dừa ở trong nhân, hoặc là vị bùi bùi của đậu xanh.

Bánh qui dừa được tạo màu từ gấc đỏ

Bánh qui dừa được tạo màu từ gấc đỏ  (nguồn:riviu tuilathien)

Bánh qui dừa 

Bánh qui dừa 

2. CÁCH LÀM BÁNH QUI DỪA

2.1 Nguyên liệu

Phần nhân:

  • 125 gr dừa rám vỏ hoặc có thể dùng dừa nạo
  • 90 gr đường cát trắng
  • Đậu phộng giả nhuyễn 35 gr (không cần thiết)
  • 20 gr bột năng 

Phần vỏ:

  • 150 gr bột nếp
  • 40 gr đường
  • Màu thực phẩm/ lá dứa

2.2 Cách thực hiện (tham khảo: bếp cô Minh)

Phần nhân

  • Dừa và đường cho vào trong chảo để trong khoảng tầm 30 phút cho đến khi đường tan ra và dừa tiết ra nước, khi đó hỗn hợp sẽ hòa vào nhau làm cho phần nhân khi sên trông ngon hơn.
  • Tiếp đó cho dừa lên trên lửa nóng để sên, trong khi sên phải đảo đều tay hỗn hợp dừa.
  • Nhân dừa sau khi sên một thời gian sẽ cạn nước lúc này cho bột năng pha cùng với khoảng 1m nước lạnh vào giúp tạo thêm độ dẻo cho nhân dừa.
  • Đảo đều tay cho đến khi hỗn hợp dừa ráo nước, để hỗn hợp qua một bên chờ dừa nguội rồi vo viên nhân mỗi viên khoảng 20gr.

Phần vỏ

  • Pha bột theo tỉ lệ

150gr BỘT NẾP: 40gr ĐƯỜNG: MÀU: 3gr MUỐI

  • Nấu nước đường theo tỷ lệ 1: 1 để khi nhồi bột sẽ tránh được những vụn đường lợn cợn.
  • Trộn hỗn hợp bột với nước đường để ở 50 – 60 để hỗn hợp bột không bị chảy nhão.
  • Sau đó bắt đầu nhào bột.
  • Chia hỗn hợp bột thành những viên tròn 30gr.

Nặn bánh
 

  • Vỏ bánh sau khi chia thành những viên tròn 30 gr, chúng ta sẽ ấn tạo hình tròn lõm như cái phễu, sau đó cho những viên nhân vào bên trong, vo viên sao cho phần bột bao đều bên ngoài phần nhân.

Tạo hình

  • Thoa 1 lớp dầu ăn mỏng vào trong những khuôn bánh, thoa thêm 1 ít vào viên bánh để chống dính, giúp cho việc lấy bánh ra khỏi khuôn dễ dàng hơn.
  • Cho bột vào bên trong nhấn nhẹ để bột có thể lấp đầy khuôn.
  • Sau đó, gõ thật mạnh vào bốn góc của khuôn, như vậy là đã có chiếc bánh qui dừa.
  • Lót bánh bằng một miếng lá chuối đã được cắt thành những mảnh tròn nhỏ vừa với cái bánh.

Hấp bánh

  • Xếp bánh vào trong xửng, hấp trong khoảng 12 phút.

  • Cứ khoảng 3 phút thì sẽ mở nắp nồi, lau hơi nước đọng trên nắp, cũng như để xả hơi làm bánh nở đều không bị xẹp.
    ​​​​​​

Bánh qui dừa được tạo màu xanh từ lá dứa

Bánh qui dừa được tạo màu xanh từ lá dứa (nguồn: bách hóa xanh)

2.3 Những lưu ý khi làm món bánh qui dừa (nguồn: bếp cô Minh)

  • Nếu không có dừa nạo hoặc dừa rám, các bạn có thể mua dừa sấy khô, sau đó ngâm với nước cho đến khi dừa nở ra, nếu sử dụng dừa khô thì cứ 1kg dừa tươi tương đương với 350gr dừa khô từ đó chúng ta sẽ tính ra được lượng đường cần dùng để sên nhân.

  • Đường của phần nhân, khi gia giảm cần lưu ý nếu các bạn cho quá ít đường nhân dừa của chúng ta sẽ khó có thể dùng lâu vì dừa sẽ nhanh chua.
  •  Nếu có thể chúng ta hãy sử dụng đường xay để vỏ bánh sau khi hấp sẽ trong láng bóng và đẹp hơn.

Bánh quy truyền thống dẻo dai, cắn một miếng thơm lừng, ngọt ngào cả khoang miệng là món mà ai thử chắc sẽ đều thích. Vào mỗi mùa tết, dĩa bánh qui có màu sắc rực rỡ làm cho mâm cỗ trông rộn ràng và đầm ấm. Là một món quà thú vị cho những vị khách nơi phương xa khi đến với miền Tây, là món quà làm cho những người con xa quê cảm thấy ấm lòng hơn khi cầm nó.

Nguồn: tổng hợp


(*) Xem thêm

Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng