BÁNH PHỤC LINH CHIẾC BÁNH CỦA TUỔI THƠ

  • 21/10/2022
  • 456

    Một chiều Sài Gòn, chợt trainghiemlambanh.com nhớ da diết mùi vị thân quen của chiếc bánh mang tên PHỤC LINH - những chiếc bánh nhiều màu sắc đã trở thành một kỉ niệm khó quên trong kí ức tuổi thơ của những đứa trẻ đã từng gắn bó với món bánh này, nên đã quyết định làm thử. Mặc dù có một số khó khăn ban đầu nhưng thành quả cũng không đến nỗi nào.

 

 

BÁNH PHỤC LINH

     1. ĐÔI ĐIỀU VỀ CHIẾC BÁNH PHỤC LINH

1.1 Nguồn gốc xuất xứ

1.2 Ăn bánh phục linh sao cho đúng bài?

     2. CÁCH LÀM BÁNH PHỤC LINH HIỆN ĐẠI

2.1 Nguyên liệu 

2.2 Cách thực hiện

     3. NHỮNG LỖI THƯỜNG GẶP CỦA BÁNH PHỤC LINH

3.1 Kết cấu bánh bị ướt

3.2 Rang bột bánh bị cháy

3.3 Khó lấy bánh ra khỏi khuôn

    Bánh phục linh chắc chắn là cụm từ quen thuộc trong tự điển tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt. Nhắc đến bánh phục linh, ký ức lại trở về những ngày xưa, với hình ảnh lũ nhóc, trong đó có cả tôi, ngồi trông ngóng mẹ đi chợ về, trong tay cầm một bọc quà gói trong lá chuối. Cái cảm giác khi mở bọc lá chuối ra, những chiếc bánh phục linh nhiều màu sắc lấp ló bên trong, nhón 1 miếng bánh bỏ vô miệng, cái cảm giác bánh tan ra trong miệng, hòa quyện với vị thơm béo của nước cốt dừa thực sự khiến người ta phải nuốt nước miếng.  

    Một chiều Sài Gòn, chợt trainghiemlambanh.com nhớ da diết mùi vị thân quen của chiếc bánh mang tên PHỤC LINH - những chiếc bánh nhiều màu sắc đã trở thành một kỉ niệm khó quên trong kí ức tuổi thơ của những đứa trẻ đã từng gắn bó với món bánh này, nên đã quyết định làm thử. Mặc dù có một số khó khăn ban đầu nhưng thành quả cũng không đến nỗi nào 😎.

    Mới cả nhà hãy cùng trải nghiệm làm bánh quay về 1 miền ký ức thật đẹp với món bánh phục linh tam sắc nhé!!!

1. ĐÔI ĐIỀU VỀ CHIẾC BÁNH PHỤC LINH

1.1 Nguồn gốc xuất xứ

    Theo như lời kể dân gian, Phục Linh là loại bánh được làm để dâng lên Vua chúa ngày xưa sau mỗi bữa ăn chính (nghe đến đây, các bạn có liên tưởng đến các loại bánh tráng miệng tinh xảo với những cái tên vô cùng kiêu sa mà chúng ta hay được thấy trong phim cổ trang Trung Quốc không? 🤣, nên bánh mới mang một cái tên đẹp đẽ như vậy: PHỤC LINH.

Bánh phục linh thuở xưa

Bánh phục linh thuở xưa ( Nguồn : Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế)

    Trải qua thời gian, bánh Phục Linh trở thành món ăn đặc sản vùng miền, và đặc biệt phổ biến ở miền Tây Việt Nam. Điều này chắc phần nào có liên quan đến thành phần nguyên liệu bánh: dùng cốt dừa để làm tăng mùi vị thơm béo cho bánh nên bánh rất được người dân miền Tây ưu ái. Cũng dễ hiểu thôi, bởi vì sản lượng dừa của Đồng Băng sông Cửu Long đã chiếm tới gần 80% diện tích trồng dừa của cả nước, nên món nào dính đến dừa thì chắc chắn sẽ được ưa chuộng ở Đồng Bằng sông Cửu Long 😉.

    Có lẽ xuất phát từ lịch sử - là chiếc bánh được dâng lên Vua Chúa, nên Phục Linh cũng là một trong những loại bánh được chọn để dâng cúng bàn thờ Tổ tiên mỗi dịp tết đến xuân về. Chúng ta cũng bắt gặp hình ảnh chiếc bánh Phục Linh được bày đẹp mắt trong mâm bánh mứt ngày tết với nhiều màu sắc bắt mắt, như một lời chúc sức khỏe và may mắn cho khách đến chơi nhà.

    Theo truyền miệng, chiếc bánh khi mang dâng lên Vua ngày xưa chỉ có một màu trắng đơn thuần, không có nhân. Thậm chí, dân gian còn tin rằng, chiếc bánh Phục Linh ngày xưa đã được làm bằng củ huỳnh tinh hay còn gọi là củ bình tinh. Công thức này có được cho là đã thất truyền và không đươc sử dụng phổ biến ngày nay.

Củ bình tinh

Củ bình tinh từng được dùng để làm bánh trong công thức thời xưa

1.2 Ăn bánh phục linh sao cho đúng bài?

    Có thể bạn sẽ nghĩ câu hỏi này thật vô nghĩa, ăn thì chỉ cho vô miệng nhai thôi là được chứ cầu kỳ làm gì. Nhưng riêng với bánh Phục Linh, ăn không đúng cách sẽ không cảm nhận hết hết vị ngon độc đáo của bánh 😄.

    Có lẽ ngày xưa, khi bánh được dùng làm bánh tráng miệng cho vua chúa, Vua và các cung tần đã dùng bánh theo kiểu thưởng thức: cầm chiếc bánh trắng tinh đưa vào miệng, cắn miếng nhỏ rồi ngậm lại, bột bánh tan dần trong vòm miệng, thơm mát mùi củ huỳnh tinh hòa quyện cùng hương thơm lá dứa.

    Theo đó ngày nay, để thưởng thức được trọn vẹn tinh túy của chiếc bánh dâng vua khi xưa, sau khi làm bánh xong, bạn hãy thử thưởng thức theo cách trên nhé. Và đừng quên nhâm nhi chiếc bánh chung với một tách trà nóng, biết đâu bạn có thể có cảm nhận hoàn toàn mới lạ về chiếc bánh không hề mới này.

2. CÁCH LÀM BÁNH PHỤC LINH HIỆN ĐẠI

    Khác với công thức dùng huỳnh tinh ngày xưa, bánh Phục Linh ngày nay được người dân biến tấu ở phần nguyên liệu chính cho phù hợp hơn với khẩu vị, và cũng để tăng tính tiện dụng. Bột huỳnh tinh được thay bằng bột năng, phần chất lỏng trong công thức được thay bằng nước cốt dừa, có thể phối với nhiều màu sắc từ trái cây, rau củ như màu xanh lá dứa, màu tím của lá cẩm hoặc củ dền, để đĩa bánh thêm đặc sắc và thu hút những đứa trẻ con.

    Bánh này khi ăn sẽ tan trong miệng, có vị ngọt nhẹ và béo của nước cốt dừa và không hề dính răng, tuy rất bình thường nhưng ăn vào thì lại rất là bánh cuốn, ăn một cái rồi thì không thể ngừng ăn cái thứ 2.

    Cùng xem qua công thức và cách làm nhé cả nhà!

2.1 Nguyên liệu

300 gr bột năng

300 gr nước cốt dừa ( được thắng từ 300 - 400gr dừa nạo)

200 gr đường

5 lá dứa

Bột trái cây Vital Plus tạo màu và vị cho bánh:

  • 3 gr bột củ dền Vital Plus
  • 2 gr bột khoai môn Vital Plus
  • 5 gr bột dâu tây Vital Plus

 

Nguyên liệu làm bánh phục linh

Nguyên liệu làm bánh phục linh

2.2 Cách thực hiện

- Lá dứa cắt khúc nhỏ nhỏ khoảng 4 cm mỗi đoạn.

- Bột năng và lá dứa cho vào chảo, rang ở lửa vừa cho đến khi bột tơi ra và mịn tan, lấy thử 1 miếng lá dứa bóp nhẹ thì nghe tiếng thật giòn và khô, vậy là bột đã chín. Để bột qua 1 bên cho nguội.

- Cho hết phần nước cốt dừa và đường đã chuẩn bị vào nồi. Nấu hỗn hợp ở lửa vừa đến khi đường tan hoàn toàn. Trong quá trình nấu không cần khuấy, ở cuối quá trình nấu chỉ cần khuấy nhẹ để kiểm tra đường đã tan hay chưa là được.

- Pha màu: Chia phần nước cốt dừa đã nấu thành nhiều phần nhỏ. Cho bột trái cây vào từng phần, khuấy đều lên để tạo màu và vị.

- Chia phần bột đã rang và để nguội ra từng phần tương ứng với phần nước cốt dừa đã trộn màu và vị, cho từng muỗng nhỏ nước cốt dừa vào từng phần bột.  Đeo bao tay vào, trộn đều đến khi hỗn hợp hòa quyện. Lấy 1 ít bột lên, bóp lại mà bột có thể kết thành khối là bột đạt.

- Bột sau khi được trộn cùng nước cốt dừa thì sẽ phải được lượt qua rây để bột tơi cho không còn lợn cợn.

- Đóng khuôn: cho bột vào trong khuôn với lượng vừa phải, sau đó nén thật chặt, tay. Gõ nhẹ một cái thế là ra cái bánh.

Bánh phục linh làm bằng bột trái cây Vital Plus

Bánh phục linh làm bằng bột trái cây Vital Plus

3. NHỮNG LỖI THƯỜNG GẶP CỦA BÁNH PHỤC LINH

3.1 Kết cấu bánh bị ướt

- Cho nhiều nước màu quá thì sẽ khiến cho bột bị ẩm và dần bị vón cục, cách giải quyết cho vấn đề này chính là chúng ta sẽ dàn mỏng bột ra, phơi bột ở nơi thoáng mát trong 1 khoảng thời gian cho bột ráo hơn.

- Đối với những mẻ bột đã cho quá nhiều chất lỏng, chúng ta có thể cho thêm bột khô vào trộn đều và kiểm tra xem bột đã đạt chưa (như hướng dẫn bên trên). Tuy nhiên, cách chữa cháy này sẽ không đảm bảo cho ra mẻ bánh ngon.

- Vì vậy, cách tốt nhất vẫn là cho nước màu mỗi lần một ít, từ từ, đừng cho quá nhiều vào cùng một lúc để bạn dễ dàng canh kết cấu bột.

3.2 Rang bột bánh bị cháy

- Rang bột đòi hỏi sự kiên trì và chú ý. Nếu bạn rang lượng bột nhỏ thì sẽ không mất nhiều thời gian. Và cách kiểm tra bột chín hay chưa chính là dùng lá dứa để canh (như phần hướng dẫn ở trên).

- Tuy nhiên, nếu rang lượng bột lớn, chúng ta sẽ dễ mất kiên nhẫn nên có xu hướng tăng lửa lên. Khi đó, bột ở phần đáy chảo sẽ bị cháy, trong khi phần bột trên mặt lại không chín. Bột bị cháy là chuyển sang màu vàng và có mùi khét. Mặc dù có thể dùng bột tạo màu để che đi màu bánh, nhưng mùi vị bánh khi ăn sẽ không thơm ngon như bột rang vừa đủ.

Vì vậy, bạn hãy chuẩn bị một tâm hồn thật đẹp, mở những bản nhạc thật chill để cảm thấy việc rang bột thật nhẹ nhàng nhaaa. 😉😉😉

3.3 Khó lấy bánh ra khỏi khuôn

- Đối với những bạn mới làm lần đầu, công đoạn đóng bánh chắc chắn không hề đơn giản như bạn thấy trên các video hướng dẫn làm bánh.

- Đa số lỗi thường gặp là khi gõ khuôn, bánh sẽ không rơi ra, hoặc có rơi ra thì sẽ bị vỡ bột bánh. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể lưu ý 2 điểm:✌️

  • Kết cấu bột đạt.
  • Bánh khi bỏ vào khuôn phải nhấn cho thật chặt tay. Trước khi lấy bánh ra, cần gõ đều các cạnh của bánh để bánh tách khuôn rồi mới lấy bánh ra.

    Cách làm bánh phục linh cũng khá là đơn giản đúng không cả nhà. Nếu có khó khăn gì trong quá trình làm, cả nhà có thể phản hồi cho trainghiemlambanh.com để tụi mình đồng hành cùng cả nhà nhé. Chúc mọi người làm được những mẻ bánh ngon miệng, đẹp mắt nhaaaa! 😋😋😋

 

 

 

 

Bình luận