Bánh trôi cho Tết Hàn Thực: Biến hóa với phiên bản tạo hình trái cây – hoa hồng đẹp lung linh.
Tết Hàn Thực với bánh trôi có lẽ không còn xa lạ với giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là với các cộng đồng làm bánh, nấu chè. Những năm gần đây, cứ mỗi lần đến Tết Hàn thực, các nhóm làm bánh nấu ăn lại xuất hiện những món bánh mới. Và một trong những món đã làm mưa gió trên các mạng xã hội chính là Bánh trôi tạo hình hoa và trái cây.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu kỹ hơn về truyền thống Tết Hàn Thực, cũng như về món Bánh trôi tạo hình đang rất được ưa chuộng nhé.
1. Tìm hiểu về Tết Hàn thực
Tết Hàn thực năm nay sẽ rơi vào ngày 14/4/2021 (nhằm ngày 3 tháng 3 Âm lịch).
Tết Hàn Thực bắt nguồn từ Trung Quốc, gắn với điển tích lịch sử kể về sự kiện Vua Tấn Văn Công thời Xuân Thu thương xót trước cái chết của bề tôi là Giới Tử Thôi và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm trong 3 ngày (khoảng từ mồng 3 tháng 3 đến mồng 5 tháng 3 Âm lịch hàng năm). Đó cũng chính là ý nghĩa của “Hàn Thực”- ý chỉ thức ăn lạnh.
Sau khi du nhập vào Việt Nam, Tết Hàn Thực đã được người xưa Việt hóa và được lưu truyền đến ngày nay. Tuy tên gọi Hàn Thực có vẻ bắt chước từ Trung Quốc, nhưng khi vào Việt Nam, Tết Hàn Thực đã được hợp nhất với tết bánh trôi, bánh chay, tết tháng 3 của người Việt và thể hiện rõ nét về đặc trưng văn hóa, lối sống, những khát vọng mơ ước rất riêng của người Việt. Trong những ngày này, các gia đình Việt vẫn nấu nướng bình thường và không kiêng lửa.
_Dẫn nguồn Wikipedia_
Nguồn gốc tết Hàn Thực (Nguồn ảnh: lichngaytot.com)
2. Các món ăn được ưa thích trong dịp tết Hàn Thực ở Việt Nam
2.1. Bánh trôi, bánh chay
Ở Việt Nam hiện nay, người ta chỉ làm bánh trôi hay bánh chay để thế cho đồ lạnh, nhưng chỉ cúng gia tiên, và có ít liên hệ đến Giới Tử Thôi và những kiêng kỵ khác. Vào ngày này, người Việt thường "làm bánh trôi nước, bày cỗ bàn, cúng gia tiên", cho nên bánh trôi còn được gọi là bánh Hàn thực.
_Dẫn nguồn Wikipedia_
Bánh trôi bánh chay truyền thống (Theo facebook nhà nghiên cứu Trần Quang Đức)
2.2. Bánh cuốn
Theo ghi chép của Lê Tắc, người thời Trần "tiết Hàn Thực, đem bánh cuốn tặng nhau". Qua bài thơ "Tặng bánh xuân cho ngài thiên sứ Trương Hiển Khanh", làm năm 1291, Trần Nhân Tông viết: "Hôm nay đúng ngày mồng 3 tháng 3, trên chiếc mâm chạm hình mây đỏ bày bánh Xuân thái, đây là phong tục cũ của An Nam xưa nay." Theo Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, bánh Xuân thái cũng chính là tên gọi khác của bánh cuốn. Sách này đồng thời cho biết: "Quyển bính (bánh cuốn) nhiều nhân càng ngon, hiệu là bánh cuốn lăn tròn khéo thay" .
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho biết: Như vậy, vào thời Trần, thậm chí có thể truy lên thời Lý, nhằm tiết Hàn thực, người Việt ăn bánh cuốn và có tục đem bánh cuốn tặng nhau, chưa có tục ăn bánh trôi như thời Lê Nguyễn về sau. Bánh cuốn còn được gọi là bánh Xuân thái (thái: rau), trong có nhân (có thể gồm cả rau lẫn thịt), được cuốn tròn lại, hình dạng khá gần với bánh cuốn ngày nay
_Dẫn nguồn Wikipedia_
Bánh cuốn truyền thống (Theo facebook nhà nghiên cứu Trần Quang Đức)
3. Cách làm bánh trôi tạo hình đẹp lung linh cho Tết Hàn Thực
Cùng với sự phát triển của xã hội, bánh trôi cũng được khoác lên những chiếc áo mới để phù hợp với khẩu vị và thị hiếu người tiêu dùng. Sau đây là phiên bản bánh trôi được biến tấu thành các tạo hình hoa, quả giúp cho mâm chè thêm sắc màu và sinh động
Bánh trôi tạo hình hoa - tạo màu từ bột trái cây
3.1. Công thức và cách làm
3.1.1. Nguyên liệu nhân bánh
- 100 gram đậu xanh đãi vỏ đã ngâm nước qua một đêm ( hoặc 2-3 tiếng )
- Đường cát trắng + ít muối
- Cho đậu xanh đã ngâm nước vào nồi cơm điện, đổ nước xâm xấp mặt và nấu như nấu cơm bình thường nhen. Sau đó, bạn múc ra cho vào máy xay xay cho mịn. Cách thử là khi đụng vào nhân thấy không dính tay là được. Nếu quá ướt thì đổ ra chảo đảo vài phút ở mức lửa thấp nhất rồi thử tiếp nhé, không dính tay là được.
- Nhấc chảo ra, cho khoảng ¼ tsp muối vào, cho từ từ đường nêm vừa khẩu vị là được ( bọn mình thường chỉ cho khoảng 2 – 3 tsp đường thôi vì team mình không hảo ngọt ). Nhân bánh khi hoàn tất dùng vải hoặc màng bọc thực phẩm đậy lại để không bị khô nhé.
Nhân đậu xanh cho bánh trôi (Nguồn: http://www.joeysplanting.com)
3.1.2. Nguyên liệu vỏ bánh:
- 200gr Bột nếp thái
- 140ml đậu hũ non
- 100ml nước
- Cho từ từ nước vào bột nếp, dùng muỗng trộn đều, đậy nắp để bột nghỉ 5 phút sau đó lấy ra dùng tay nhào vài lần cho bột mịn.
- Chia thành 5 cục bột, cho trực tiếp 2 – 5 gram bột trái cây vào từng phần bột rồi nhào cho đến khi tan hoàn toàn trong bột. Sau khi pha màu xong đậy kín để nghỉ 5 – 10 phút rồi bắt đầu lấy ra tạo hình. (Theo dõi cách tạo hình trong video, trong quá trình tạo hình thì phải luôn giữ cho phần bột chưa được tạo hình được kín vì bột khô khá nhanh )
Bột vỏ bánh - tạo màu từ bột trái cây và bột matcha
3.1.3. Nguyên liệu nước đường:
- 100 gram đường thốt nốt
- 300 ml nước lọc
- 1 củ gừng nhỏ
- Lá dứa 3 – 4 lá
- Gừng gọt vỏ, rửa sạch rồi dùng dao đập vài cái. Lá dứa rửa sạch, cột lại thành bó nhỏ.
- Cho nước, đường, lá dứa, gừng vào nồi đun. Mở lửa liu riu, lâu lâu khuấy đều cho đường tan hết. Đun thêm một chút cho lá dứa và gừng ra vị thơm là được.
Bánh trôi tạo hình trái cây - tạo màu tím than từ bột khoai môn
Bánh trôi tạo hình trái bí - tạo màu vàng từ bột sầu riêng
Các bạn có thể tham khảo thêm video hướng dẫn tạo hình bên dưới
3.2 Những điểm cần lưu ý
Bánh trôi tạo hình có một số khác biệt so với bánh trôi truyền thống về nguyên liệu và cách làm, đặc biệt là cách tạo hình khá cầu kỳ. Sau đây là một số lưu ý khi làm bánh trôi tạo hình để những bạn có niềm đam mê tạo hình có thể làm thành công ngay từ lần đầu
- Vì sao phải thêm đậu hũ non? Vì đậu hũ non giúp kết cấu vỏ bánh đứng hơn, nên khi tạo hình sẽ giữ nét hơn, luộc xong cũng không bị mất nét.
- Dùng nước lạnh hay nước nóng để trộn bột? Chúng ta sẽ dùng nước ở nhiệt độ thường, không quá lạnh, không quá nóng.
- Nếu không có đậu hũ non có tạo hình được không? Nếu không có đậu hũ non bạn có thể dùng nước nóng để nhồi bột. Mục đích làm cho bột chín hơn, giúp kết cấu bột đứng hơn.
- Không có bột nếp Thái dùng bột nếp thường được không? Bạn có thể dùng bột nếp thường của Việt Nam. Tuy nhiên, bạn cần điều chỉnh lượng nước do tính chất hút nước của mỗi loại bột khác nhau. Bạn cho nước vào từ từ để trộn và miết bột cho đến khi thấy bột vừa mịn, có thể tạo hình là được.
- Vì sao phải miết bột? Việc miết bột sẽ giúp cho hỗn hợp hòa quyện, bột mịn hơn tạo hình sẽ đẹp hơn.
- Không có bột trái cây thì dùng siro hay các màu tự nhiên như củ dền, đậu biếc, dành dành được không? Các nguyên liệu kể trên đều có thể dùng để tạo màu cho bánh trôi. Nếu thay thế bột trái cây bằng các nguyên liệu dạng lỏng, các bạn nên điều chỉnh giảm lượng nước trong công thức cho thích hợp để hỗn hợp tạo hình không quá khô cũng không quá ướt nhé.
- Vì sao bột hay bị khô, nứt? Các hỗn hợp bột làm bánh dễ nhanh khô khi tiếp xúc lâu với không khí. Vì vậy, trong quá trình tạo hình, chúng ta nên dùng màng thực phẩm bọc phần bột lại để luôn giữ cho phần bột được kín, không bị khô nứt mặt.
Một số hình ảnh bánh trôi tạo hình khác
Bánh trôi tạo hình Wagashi - tạo màu cho bánh từ bột trái cây
Bánh trôi tạo hình Wagashi - tạo màu đỏ từ bột mâm xôi
Xem thêm