Trung Thu ở các quốc gia ( phần 2 ) - Hàn Quốc
Ở mỗi quốc gia sẽ có những truyền thống, phong tục riêng vào ngày lễ Trung Thu. Trong bài viết “Trung Thu ở các quốc gia (phần 1)” lần trước, trainghiemlambanh.com đã chia sẻ với bạn đọc những điều khác biệt về ngày Tết Trung Thu ở Trung Quốc và Nhật Bản. Bài viết dưới đây, trainghiemlambanh.com tiếp tục chia sẻ những nét đặc trưng về Tết Trung Thu ở Hàn Quốc nhé.
1) Trung Thu ở Hàn Quốc:
Tết Chuseok cũng là “Tết đoàn viên” của các gia đình Hàn Quốc. Kỳ nghỉ này thường được kéo dài trong ba ngày làm việc. Vì thế người dân Hàn Quốc lại có dịp trở về quê hương, quây quần bên gia đình cùng nhau ngắm trăng, vui chơi và thưởng thức các hương vị riêng có vào mùa thu. Công việc quan trọng nhất trong ngày Tết Chuseok là thể hiện lòng thành kính với tổ tiên theo nghi thức Beolcho và Seongmyo. Vào ngày này, các gia đình người Hàn Quốc sẽ cùng đến phần mộ của tổ tiên để dọn dẹp, làm sạch khu vực quanh mộ. Sau đó, người phụ nữ trong gia đình sẽ chuẩn bị mâm lễ gồm hoa quả, ngũ cốc và các sản phẩm đã thu hoạch được trong vụ mùa dâng lên cúng tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính và biết ơn.
Tết Chuseok
Chuseok (“秋夕” – thu tịch) theo nghĩa đen có nghĩa là đêm trăng đẹp nhất mùa thu. Chuseok được xem là ngày tạ ơn đất trời, tổ tiên đã cho một mùa màng bội thu. Và là ngày để tận hưởng thành quả của một mùa đã qua. Đây cũng là thời kỳ công việc đồng áng của năm cũ khép lại. Và còn cầu mong mùa màng năm sau bội thu hơn. Trong trồng trọt nói chung và trồng lúa nói riêng, thời điểm thu hoạch là khi mầm nở rộ và kết hạt. Điều này lặp lại theo chu kỳ từ năm này sang năm khác. Nói cách khác, nó tái sinh, giống như bản chất của mặt trăng lặp lại quá trình xoay quanh Trái Đất. Mặt Trăng hồi sinh vào lúc trăng non và cho thấy đỉnh cao sức sống vào ngày trăng tròn. Sau đó biến mất vào cuối tháng và cứ lặp lại chu kỳ đó mỗi tháng. Trong xã hội nông nghiệp, sự tái sinh của mặt trăng và bản chất tái tạo của nghề nông được coi là giống nhau. Do đó, trăng tròn tượng trưng cho sự dư dả, dồi dào và màu mỡ. Cũng vì vậy mà lễ hội trăng rằm rất Hàn Quốc – đất nước vốn có truyền thống nông nghiệp xem trọng.
2) Truyền thuyết:
Lễ Chuseok có từ thời Gabae của nước Silla (từ năm 57 TCN đến năm 935). Vua Yuri (24-27), quân vương thứ ba của triều Silla, là người đầu tiên thiết lễ Chuseok vốn nguyên bản là từ một cuộc thi tài. Theo truyền thuyết, nhà vua sẽ treo giải thách các đội nữ nhi ở kinh thành dệt vải. Từ 16 Tháng Bảy âm lịch đến 14 Tháng Tám âm lịch ai dệt được nhiều sẽ được khao bữa cỗ thịnh soạn. Từ đó Chuseok dần trở thành ngày lễ vui chơi trong văn hóa người Hàn Quốc.
3) Các hoạt động:
3.1 Phong tục thờ cúng tổ tiên
Trong dịp Tết Chuseok, các gia đình sẽ bày tỏ lòng tôn kính với tổ tiên theo nghi thức beolcho và seongmyo. Bên cạnh đi thăm viếng mộ tổ tiên, nhổ cỏ dại và dọn dẹp khu vực xung quanh mộ, các gia đình sẽ dâng cúng tổ tiên một mâm lễ gồm hoa quả, ngũ cốc và các sản phẩm đã thu hoạch được để bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên đã phù hộ.
3.2 Múa ganggangsullae
Điệu múa ganggangsullae được xem là hoạt động nghệ thuật tiêu biểu trong dịp Tết Chuseok. Trong điệu múa này, cô gái sẽ mặc những bộ hanbok (trang phục truyền thống của người Hàn Quốc) và tụ họp lại dưới ánh sáng đêm trăng rằm, nắm tay nhau xếp thành vòng tròn, vừa hát vừa nhảy múa.
Thời điểm ngày trăng tròn cũng được ví như người phụ nữ đương lúc "khai hoa nở nhụy". Chính vì vậy, điệu múa truyền thống này còn để ca ngợi cho sự thăng hoa vẻ đẹp của người phụ nữ hòa trong thời khắc đẹp nhất của thiên nhiên.
Múa ganggangsullae
3.3 Juldarigi
Juldarigi là trò chơi kéo co có tính cách thượng võ nhằm gắn kết cộng đồng khi được tham gia bởi mọi người chơi từ bất cứ độ tuổi nào. Các đội sẽ được phân chia đồng đều về số người, giữa các thôn xóm, các làng cũng có thể chia đội với nhau để thi thố. Số người tham gia càng đông thì sợi dây càng dày, càng to và thời gian thi càng kéo dài. Trò chơi mang đến tinh thần đồng đội và niềm vui khi gắn kết tình làng nghĩa xóm với nhau.
Juldarigi
3.4 Trò đấu vật
Môn đấu vật là trò chơi không thể thiếu trong lễ Chuseok, là dịp để các chàng trai thể hiện sức mạnh của mình. Trên bãi cỏ hoặc bãi cát, cuộc thi đấu sẽ được tổ chức theo hình thức loại trực tiếp, người chiến thắng được tôn vinh là jangsa và sẽ được nhận từ dân làng vải vóc, gạo hay con bê làm giải thưởng.
Trò đấu vật
4) Ẩm thực:
4.1 Songpyeon – Thông phiến
Songpyeon là món ăn không thể thiếu trong Chuseok. Là món bánh tiêu biểu được làm bằng bột gạo mới, nhân lá vừng, các loại đậu,… Songpyeon được làm bằng cách nhào bột gạo mới với đậu xanh tươi, hạt mè, hạt dẻ, táo tàu, khoai lang, hồng, bột quế. Gọi là Songpyeon vì mỗi khi hấp bánh đều người Hàn thường đặt vào đó lá thông. Lá thông có tác dụng làm cho bánh có vị thanh hơn. Vào đêm trước ngày lễ Chuseok, cả gia đình cùng nhau quây quần làm bánh Songpyeon. Bánh được tạo hình bán nguyệt với mong muốn gửi gắm mang đến tương lai tươi sáng và thành công của mọi gia đình. Trong quan niệm của người Hàn, cô gái nào khéo tay làm ra những bánh Songpyeon có hình dáng đẹp, thì sẽ tìm được ý trung nhân tử tế. Còn phụ nữ đã có gia đình thì sẽ sinh những đứa con xinh đẹp, ngoan ngoãn. Do đó, khi làm bánh Songpyeon, họ đều rất tỉ mỉ và dồn hết tâm sức của mình để tạo ra những chiếc bánh Songpyeon xinh xắn.
Songpyeon – Thông phiến
4.2 Toranguk – Canh khoai sọ
Ngoài Songpyeon, canh khoai sọ cũng là một món ăn không thể thiếu trong dịp lễ Tết Trung Thu của người Hàn. Theo Hán tự, khoai sọ được gọi là thổ noãn (“土卵” – trứng trong đất). Để loại bỏ đi lớp nhớt bên ngoài, khoai sọ sẽ được luộc qua nước vo gạo hoặc nước muối. Sau đó, khoai sẽ được hầm cùng với gân bò hoặc ức bò để tạo vị thanh đạm.
Toranguk
4.3 Baekju – Rượu trắng
Chuseok là tết Đoàn viên nên vào dịp lễ này người Hàn rất thích tụ tập ăn uống cùng gia đình, bạn bè. Ngoài rượu Soju thường thấy, trong bữa tiệc Chuseok không thể thiếu hương vị của rượu trắng. Rượu trắng thường được nấu và ủ men từ gạo mới thu hoạch trong vụ mùa vừa kết thúc.
Baekju
Phía trên là những nét đặc trưng về Tết Trung Thu ở Hàn Quốc mà trainghiemlambanh.com muốn gửi đến cho bạn đọc. Cảm ơn các bạn đã xem bài viết nhé.
Nguồn: tổng hợp
Xem thêm