Tại Sao Lại Gọi Trung Thu là Tết Đoàn Viên
Tết Trung Thu là một trong những dịp lễ truyền thống quan trọng nhất trong văn hóa Việt Nam. Nhưng đặc biệt hơn cả, Tết Trung Thu còn được biết đến với tên gọi Tết Đoàn Viên, mang ý nghĩa sâu sắc về sự đoàn tụ và gắn kết gia đình. Vậy tại sao Tết Trung Thu lại được gọi là Tết Đoàn Viên? Hãy cùng trainghiemlambanh.com tìm hiểu thêm nha.
1. Tết Trung Thu - Biểu Tượng Của Sự Đoàn Tụ
Tết Trung Thu được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch, thời điểm mà mặt trăng tròn và sáng nhất trong năm. Thời điểm này cũng là lúc vừa xong vụ mùa, người nông dân đã tổ chức lễ hội để cảm tạ đất trời đã ban cho mùa màng bội thu và để nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình sau một vụ mùa vất vả.
Trong văn hóa Á Đông, hình ảnh trăng tròn tượng trưng cho sự viên mãn và đoàn tụ. Khi nhìn thấy mặt trăng tròn, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh gia đình sum họp, cùng nhau ngồi dưới ánh trăng. Và người Việt Nam từ xưa đã xem Tết Trung Thu là dịp để gia đình gặp gỡ gắn kết, thể hiện tình cảm yêu thương và sự quan tâm lẫn nhau. Chính vì lẽ đó, Tết Trung Thu còn được gọi là Tết Đoàn Viên.
Trung Thu - Tết Đoàn Viên
2. Trung Thu trong dòng chảy lịch sử Việt Nam
Tết Trung Thu có nguồn gốc văn minh nông nghiệp của dân tộc Việt, tồn tại từ hàng nghìn năm trước. Với những dấu tích còn lưu lại trên trống đồng Ngọc Lũ. Đây là lễ hội của người nông dân sau mùa thu hoạch, nhằm tạ ơn thần linh đã ban cho một vụ mùa bội thu. Theo văn bia khắc ở chùa Đọi năm 1121, từ thời nhà Lý, Tết Trung Thu đã chính thức được tổ chức tại kinh thành Thăng Long với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật như lễ hội đua thuyền, múa rối nước, và rước đèn. Đến thời Lê - Trịnh, Tết Trung Thu còn được tổ chức xa hoa trong cung vua và phủ chúa.
3. Những Tập Tục Đoàn Viên Trong Tết Trung Thu
Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, ban ngày làm cỗ gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm đủ các màu sắc, sặc sỡ, xanh, đỏ, trắng, vàng.
Khi đêm xuống, mặt đất ngập tràn ánh trăng vàng, xóm làng cùng nhau tụ họp uống nước chè xanh, ăn bánh, ngắm trăng.
Đám trẻ con thì rủ nhau rước đèn, trên tay đứa nào cũng có chiếc đèn lồng sặc sỡ, vừa đi vừa hát vang, cười đùa rôm rã.
Múa lân là một hoạt động không thể thiếu vào đêm Trung thu, con Lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng, đến cho mọi nhà. Đám múa lân đi trước, đám trẻ con rước đèn đi theo sau.
Chúng ta sẽ kết đêm Trung thu bằng tiết mục “phá cỗ”, phá cỗ là việc người lớn sẽ mang bánh kẹo, hoa quả chia đều để mọi người cùng thưởng thức. Vào đêm trăng rằm phá cỗ, người lớn thì thưởng trà, ăn bánh, ngắm trăng chuyện trò. Còn thẻ em thì vừa ăn kẹo bánh, vừa rước đèn lồng và ngân nga những bài hát Trung thu. Đây là hoạt động ý nghĩa giúp mọi người cùng nhau tận hưởng không khí đầm ấm, sum vầy của ngày Tết đoàn viên.
4. Tết Đoàn Viên Trong Cuộc Sống Hiện Đại
Trong cuộc sống hiện đại, với nhịp sống hối hả và công việc bận rộn, nhiều gia đình có ít thời gian để sum họp và chia sẻ với nhau. Tuy nhiên, Tết Trung Thu vẫn giữ nguyên giá trị truyền thống là dịp để các gia đình đoàn tụ, thắt chặt mối quan hệ và tình cảm giữa các thế hệ.
Ngày nay, dù có nhiều hình thức giải trí mới lạ, nhưng giá trị của Tết Đoàn Viên vẫn không thay đổi. Nhiều gia đình hiện đại vẫn giữ gìn truyền thống tổ chức tiệc Tết Trung Thu, rước đèn, và trao tặng bánh Trung Thu cho nhau. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ, những người thân ở xa vẫn có thể kết nối và chia sẻ niềm vui Tết Đoàn Viên qua các phương tiện truyền thông.
Tết Trung Thu, hay Tết Đoàn Viên, không chỉ là dịp lễ dành riêng cho trẻ em mà còn là dịp để mọi thành viên trong gia đình cùng nhau sum họp, chia sẻ niềm vui và tình cảm. Dù thời gian có trôi qua, dù cuộc sống có thay đổi, nhưng giá trị của sự đoàn viên, của tình thân gia đình trong Tết Trung Thu vẫn mãi mãi được gìn giữ và trân trọng. Chính vì vậy, Tết Trung Thu luôn được coi là Tết Đoàn Viên – một dịp lễ mang ý nghĩa sâu sắc và thiêng liêng trong văn hóa Việt Nam.
Trung Thu ở thời hiện đại
Vậy là chúng ta đã cùng tìm hiểu lý do tại sao Tết Trung Thu còn được gọi là Tết Đoàn Viên. Trainghiemlambanh.com xin chúc bạn một mùa Trung Thu 2024, Tết Đoàn Viên thật ấm áp và ngập tràn hạnh phúc bên gia đình. Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết tiếp theo.
Nguồn: tổng hợp
Xem thêm