Kẹo dẻo món ăn của tuổi thơ

  • 17/04/2023
  • 501

Ngày nay khi nhắc đến kẹo dẻo, mọi người sẽ nghĩ ngay đến kẹo dẻo hình con gấu của Haribo ở Đức. Có thực sự quê hương kẹo dẻo là nước Đức?

Bài viết hôm nay của trainghiemlambanh.com sẽ nói kĩ hơn về món kẹo này nhé. Nói đến kẹo dẻo, trước đây trainghiemlambanh.com cũng đã làm qua vài lần và có viết bài chia sẻ về loại kẹo này. Lần đó, tụi mình chỉ chủ yếu nói về thành phần của kẹo, còn trong bài viết ngày hôm nay tụi mình sẽ giới thiệu thêm một số thông tin thú vị hơn về món kẹo này!

   1. Kẻo dẻo bắt nguồn từ đâu?

   2. Sự đa dạng của kẹo dẻo

   3. Cách thực hiện món kẹo dẻo hoa hồng                        

 3.1 Nguyên liệu

 3.2 Cách thực hiện

     3.2.1 Nấu nước gelatin

     3.2.2 Pha màu

     3.2.3 Cách tạo hình hoa hồng cho kẹo dẻo

1. Kẹo dẻo có nguồn gốc từ đâu?

Chúng ta đều đã biết thành phần chính cấu tạo nên kẹo dẻo chính là gelatine (lấy từ da heo) vì gelatine có thể tạo nên độ dẻo và dai cho kẹo. Nhưng bạn biết không, viên kẹo dẻo đầu tiên lại không phải được làm từ gelatin.

Kẹo dẻo đầu tiên được biết đến là những viên kẹo Turkish Delight hay còn gọi là Lokum. Món kẹo này được làm từ bột mì hoặc bột bắp để giữ được kết cấu mềm dẻo thay vì dùng gelatin như ngày nay. Có thể nói Turkish Delight được xem như là tiền thân của kẹo dẻo con gấu.

Turkish Delight ra đời vào khoảng năm 1777, là món bánh ngọt lâu đời với hơn 500 năm lịch sử. Chuyện kể là, dưới thời đại vua Sultan Abdul Hamid I, vì muốn làm hài lòng tình nhân của mình, ông đã yêu cầu các thợ làm bánh của mình tạo ra món ăn khiến cô ấy hài lòng. Sau khi nhà vua đưa ra yêu cầu, các thợ bánh đã nghiên cứu làm thử nhiều loại bánh dâng lên vua, trong đó, món bánh sử dụng bột mì và bột bắp được đặt tên là Turkish Delight (Lokum) khá được lòng vua và nhân tình.

Nhưng cũng có một giả thuyết khác cho rằng thực ra Bekir Efendi, một thợ làm bánh lành nghề ở thủ đô Istanbul là người đã sáng tạo ra món bánh Turkish Delight vào những năm cuối thế kỷ 17. Hacı Bekir, thành phố nơi những chiếc kẹo tuyệt vời này được bán lần đầu, hiện vẫn rất nổi tiếng với món kẹo Turkish Delight dù đã hơn 200 năm trôi qua.

Kẹo Lokum, niềm tự hào của người dân Thổ Nhĩ Kì

2. Sự đa dạng của kẹo dẻo

Từ món Turkish Delight ( Lokum) của Thổ Nhĩ Kì, ngày nay với trình độ và sự phát triển của ẩm thực thì kẹo dẻo đã được cải tiến để trở nên đa dạng hơn, cả về chủng loại, màu sắc lẫn mùi vị. Có rất nhiều thương hiệu kẹo dẻo lớn nhỏ khác nhau với nhiều loại hương vị, kiểu dáng. Nhưng chung quy lại, chúng ta có thể phân loại kẹo dẻo thành 3 loại chính:

Kẹo dẻo phủ bên ngoài là lớp bột đường

Kẹo dẻo tạo hình với hương vị trái cây

Kẹo dẻo loại trơn bóng

3. Cách thực hiện món kẹo dẻo hoa hồng

3.1 Nguyên liệu

3.1.1 Gelatine

Gelatine: 40gr

Đường: 50gr

Nước: 190gr

Nước cốt chanh: 24gr

Mạch nha: 24gr

3.1.2 Phần bột trái cây

Các loại bột được sử dụng:

- Bột dâu Vital Plus

- Bột táo xanh Vital Plus

- Bột vải Vital Plus

- Bột việt quất Vital Plus.

3.2 Cách thực hiện

3.2.1 Nấu nước gelatin (A)

Ngâm lá gelatine trong nước lạnh trong 5 phút.

Cho nước, đường, nước cốt chanh vào chảo, nấu đến khi đường tan hoàn toàn.

Cho tiếp phần mạch nha vào, hạ nhỏ lửa, nấu đến khi mạch nha tan.

Tiếp đến cho gelatin đã ngâm vào và khuấy đến khi tan gelatin tan, nấu hỗn hợp đến khi sôi là đạt.

Lưu ý: vớt phần bọt nổi trên mặt để thành phẩm kẹo được đẹp hơn.

Chia thành phẩm ra làm 4 phần hoặc nhiều hơn tùy khẩu vị.

3.2.2 Pha màu

Pha bột trái cây và hỗn hợp gelatine theo tỷ lệ 10gr bột: 90gr

- Chia hỗn hợp gelatine thành 4 phần, mỗi phần 90gr.

- Pha màu

+ MÀU HỒNG: Cho 1 muỗng hỗn hợp gelatine vào bột dâu, khuấy cho bột tan hoàn toàn rồi mới cho vào phần hỗn hợp gelatine còn lại, khuấy tiếp. Làm như vậy sẽ đảm bảo bột trái cây tan hoàn toàn trong hỗn hợp gelatine, không bị lợn cợn, vón cục.

+ MÀU HỒNG TÍM: Pha bột việt quất với hỗn hợp gelatine theo trình tự trên.

+ MÀU XANH LÁ: Pha bột táo với hỗn hợp gelatine theo trình tự trên.

+ MÀU TRẮNG: Pha bột vải với hỗn hợp gelatine theo trình tự trên.

+ MÀU HỒNG: Pha bột dâu với hỗn hợp gelatine theo trình tự trên.

3.2.3 Cách tạo hình hoa hồng cho kẹo dẻo

Dùng giấy nến tạo thành khuôn, đổ hỗn hợp kẹo dẻo vào, dàn đều, phơi ở nhiệt độ phòng đến khi mặt kẹo se lại (Cả nhà có thể xem thêm trong video bên dưới cho dễ hình dung)

Khi kẹo đã khô, dùng giấy nến phủ lên mặt kẹo, xếp chồng các lớp kẹo lên nhau và cho vào tủ lạnh qua đêm.

Lấy kẹo ra bắt đầu tạo hình. Dùng phần thành cốc để vẽ hình tròn, vẽ thật nhiều hình tròn bằng nhau.

Cắt rời từng hình tròn, lột kẹo ra khỏi phần giấy nến và phơi kẹo trên rây (có lỗ) trong vòng 2-3 tiếng ở nhiệt độ phòng.

Sau khi mặt kẹo đã se lại, bắt đầu tạo hình hoa hồng bằng cách xếp các hình tròn chồng lên nhau. Hình tròn này đè 3/4 hình tròn kia, cứ như vậy cho đến khi nào đủ 6-7 hình tròn.

Dùng tay cuộn các miếng kẹo, theo chiều dọc.

Dùng dao cắt đôi kẹo, chúng ta sẽ được thành phẩm là 2 nụ hoa hồng đang nở.

Thành phẩm kẹo dẻo hoa hồng

Trang trí kẹo dẻo trên bánh kem

Thành phẩm kẹo sau khi được trang trí trên bánh nè, nhìn kẹo trong trong trông thật thích mắt, nhìn không nở ăn tí nào luôn.

Mọi người hãy cùng trainghiemlambanh.com thử thực hiện món kẹo này nhé!

Bình luận