Tết Dương Lịch – ngày lễ chung lớn nhất của hầu hết các quốc gia trên thế giới
Tết Dương Lịch – hay còn gọi là Tết Tây là một trong những ngày lễ vô cùng quan trọng, bắt đầu một năm mới của nhiều quốc gia, dân tộc và nền văn hóa trên thế giới. 12h đêm 31/12 là thời khắc thiêng liêng được rất nhiều quốc gia trên thế giới hướng về, bởi đây là giờ phút tiễn đưa năm cũ và chào đón năm mới. Mỗi quốc gia đều có phong tục tập quán riêng đón mừng năm mới và cầu chúc những điều may mắn, bình an.
Hãy cùng trainghiemlambanh.com tìm hiểu không khí và cách đón năm mới rất riêng của các nước trên thế giới nhé!
1. Vì sao nói Tết Dương lịch là ngày lễ chung lớn nhất của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tết Dương lịch, còn được biết đến với cái tên Tết Tây hay Tết Quốc tế, là một ngày lễ diễn ra vào ngày 1/1 hàng năm, ngày đầu tiên trong năm theo lịch Gregorius cũng như lịch Julius.
Không hề khoa trương khi nói Tết Dương Lịch là ngày lễ chung lớn nhất của nhiều quốc gia trên thế giới, bởi lẽ có đến 78 Quốc gia và vùng lãnh thổ (trên tổng cộng 254 quốc gia và vùng lãnh thổ) trên thế giới cùng đón chung một ngày lễ (chiếm khoảng >30%).
Các quốc gia đón Tết Dương Lịch trên thế giới
Vượt lên mọi khác biệt về văn hóa, địa lý, kinh tế, chính trị, sắc tộc hay màu da, người dân của các quốc gia này đều cùng hướng về thời khắc thiêng liêng nhất của một năm, cùng nhau cụng ly, chúc mừng năm mới với sự hân hoan và niềm hi vọng vào 365 ngày sắp tới với nhiều khởi sắc, niềm tin và hi vọng.
Tết Dương Lịch
2. Các hoạt động vào ngày Tết Dương Lịch ở một số quốc gia
2.1 Ở Mỹ
Giống như các nước khác trên thế giới, người dân Mỹ đón năm mới trong không khí vui tươi, phấn khởi. Vào đêm giao mùa 31/12 mỗi năm, có khoảng một triệu người tập trung ở Quảng trường Thời Đại tại thành phố New York. Họ đứng sát bên nhau cùng chờ đón khoảnh khắc đầu tiên của năm mới.
Thời khắc mọi người cùng hô to đến giây cuối cùng cũng là lúc một quả cầu thuỷ tinh đẹp lung linh, chứa hàng ngàn mảnh giấy màu sắc tượng trưng cho những vì sao đang cháy sáng xuyên qua bóng đêm của năm cũ, rơi xuống. Lúc quả cầu chạm đất là thời khắc mọi người hô vang lời chúc mừng năm mới: “Happy New Year!” và đồng thanh cất lên những giai điệu tuyệt vời của bài hát truyền thống “Auld Lang Syne” rồi tung những mảnh giấy nhiều màu sắc lên trời. Họ sẽ ca hát và nhảy múa suốt đêm để đón chào năm mới.
Phong tục đón năm mới của người Mỹ
Sau khi cùng nhau đón chào năm mới xong, người Mỹ bước vào bữa tiệc với các món mà người Mỹ tin rằng sẽ đem lại may mắn trong dịp cuối năm. Đó là bắp cải, cá mòi, mật ong và rượu vang. Bắp cải được chọn vì nó có màu xanh và hình dáng giống 1 đồng tiền kim loại tròn; cá mòi thì luôn bơi thẳng về phía trước theo từng đàn lớn tượng trưng cho sự sung túc và thẳng tiến; còn mật ong mang lại niềm vui cho cuộc sống, màu vàng của mật ong tượng trưng cho sự giàu sang về của cải. Bên cạnh đó, rượu vang là đồ uống không thể thiếu để chào đón năm mới. Rượu vang thơm sẽ làm bùng vị cho bữa ăn của họ. Không chỉ vậy, thời khắc giao thừa đến còn cùng nhau cụng ly rượu và mong một năm mới tốt đẹp hơn.
Mâm cơm đêm giao thừa của người Mỹ không thể thiếu rượu vang
Năm mới, người Mỹ thường đi thăm hỏi gia đình, họ hàng và bạn bè hoặc tổ chức ăn uống… Tuy nhiên, ngày đầu tiên của năm mới luôn là một ngày khá tĩnh lặng với nhiều người Mỹ. Họ thường ở nhà chung vui bên những người thân của mình suốt cả ngày như để bù đắp lại những tháng ngày bận rộn và mong chờ một năm mới đong đầy yêu thương hơn bên gia đình
2.2 Ở Đức
Năm mới tại Đức thường kéo dài trong vòng 1 tuần. Mọi người đều thức đến nửa đêm, cùng nhau trò chuyện, ca hát. Trước giao thừa 15 phút, các gia đình ngồi quây quần bên nhau và khi chuông đồng hồ điểm 0h, tất cả sẽ cùng nhau ra ngoài xem bắn pháo hoa và ném bỏ một thứ gì đó ra sau, coi đó như một cách vứt bỏ mọi khó khăn. Sau giao thừa, mọi người trao cho nhau những cái ôm và lời chúc “Frohes Neues Jahr” (Chúc mừng năm mới), mong ước một năm mới có nhiều điều thuận buồm xuôi gió.
Người Đức đón năm mới
Trong các bữa ăn vào ngày đầu năm mới, người Đức hay để lại một chút đồ ăn. Họ tin rằng việc để lại một phần các món trong các bữa ăn đầu năm mới cho đến sau nửa đêm sẽ đảm bảo rằng trong năm tới đồ ăn của mình không bao giờ hết. Trong Tết truyền thống của Đức, cá chép là món ăn chào đón may mắn và thịnh vượng bởi chúng xua đuổi những điều không may mắn và mang đến hạnh phúc cả năm cho từng thành viên trong gia đình. Dịp năm mới, người Đức thường nung chảy chì, ném vào nước lạnh và sau đó nhìn hình dáng viên chì để tiên đoán về những điều trong năm tới.
Phong tục nung chảy chì của người Đức
Đức cũng giống như Việt Nam, họ cũng có những món ăn vào năm mới. Nếu như Việt Nam là bánh chưng với thịt gà, xôi thì ở Đức lại là món bánh chiên nhân mứt Pfannkuchen và 1 ly rượu Sâm Panh.
2.3 Ở Nhật Bản
Nhật Bản là quốc gia duy nhất ở Châu Á từ bỏ Tết Nguyên Đán. Từ năm 1873, người Nhật Bản quyết định từ bỏ kỉ niệm Tết âm lịch và chỉ đón 1 ngày tết trong năm: Tết Dương lịch theo lịch Gregorian. Người Nhật cho rằng việc bỏ ngày Tết âm lịch sẽ giúp Nhật Bản giảm bớt số ngày nghỉ của người dân và lao động để tập trung vào công việc, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế...
Vào những ngày giáp Tết, cửa hàng và khu mua sắm ở Nhật Bản rất tấp nập bởi nhu cầu sắm sửa đồ dùng của người dân. Ngoài ra, vào ngày này, để chào đón vị thần Toshigami-sama đến nhà, mọi người phải vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Người Nhật có thói quen là trang hoàng nhà cửa vào ngày 28 và ngày 30. Ngày 29 trong tiếng Nhật phát âm gần giống với “hai lần đau” nên họ không dọn nhà vào ngày này. Trên khung cửa của các gia đình Nhật Bản còn trang trí các vật phẩm mang ý nghĩa riêng của nó. Những đồ đan bằng lá màu trắng tượng trưng cho sự không tì vết, quả quýt tượng trưng cho sự thịnh vượng, thừng bện bằng cỏ dâng lên thần linh cầu lộc và dải giấy trắng để xua đuổi tà ma.
Không khí lễ hội trong ngày Tết ở Nhật Bản
Những món ăn vào ngày Tết ở nơi đây cũng khác biệt và mang trong mình ý nghĩa riêng biệt. Món bánh Tết cùng với các món như khoai sọ, cà rốt, rau xanh thường được đưa lên cúng thần linh. Cà rốt tượng trưng cho mối quan hệ gắn bó hòa thuận giữa mọi thành viên trong gia đình. Khoai sọ tượng trưng cho sức mạnh đẩy trừ tà khí. Các món ăn làm trong dịp Tết có nguyên liệu như rễ cây ngưu bàng, trứng cá, khoai lang, tảo, hạt dẻ, cá khô. Đây là những món ăn đơn giản và giàu dinh dưỡng, mang ý nghĩa cầu mong mọi sự tốt lành.
Mặc dù người Nhật đón năm mới theo lịch dương nhưng thực chất, người Nhật đã gộp ngày Tết dương lịch và Tết Nguyên Đán lại với nhau. Vì vậy họ vẫn giữ được nhiều phong tục, tập quán, các món ăn đặc trưng ngày Tết nguyên đán, các nét đặc trưng, truyền thống của người phương Đông như đi chùa đầu năm, gia đình quây quần bên nhau ăn bữa cơm giao thừa. Vào đêm giao thừa, tại các ngôi đền, chùa ở Nhật sẽ gióng 108 tiếng chuông để chào mừng năm mới.
Một nét đặc sắc trong phong tục đón năm mới của người Nhật là tặng thiệp mừng năm mới. Người Nhật rất chịu khó viết thiệp chúc mừng gửi đến bạn bè, họ hàng.
Thiệp giấy - một nét văn hóa đặc trưng của người Nhật trong ngày Tết
Dù mỗi quốc gia, đất nước có những phong tục, tập quán khác nhau, nhưng người dân đều chào đón năm mới với tâm thế hứng khởi và vui tươi. Chúng ta hãy cùng cầu mong một năm mới 2024 sẽ tràn ngập niềm vui, hạnh phúc và thịnh vượng, thành công nhé!
(Nguồn: Tổng hợp)
Xem thêm