Tết cổ truyền xưa và nay: Những món ăn đã trở thành nét văn hóa
Tết cổ truyền hay còn gọi là Tết Nguyên đán, là thời gian để mọi người có thể trở về nơi chôn nhau cắt rốn quây quần với gia đình, người thân sau một năm học tập, làm việc bên ngoài. Đây là dịp lễ lớn nhất trong năm của người dân châu Á nói chung và người dân Việt Nam nói riêng.
Vào dịp Tết nguyên đán, mọi thành viên trong gia đình sẽ cùng tề tựu về ngôi nhà thân yêu, cùng nhau tận hưởng không khí chuẩn bị đón tết và thưởng thức những món ăn truyền thống của từng vùng miền. Trong bài viết này, hãy cùng trainghiemlambanh.com.vn tìm hiểu về những món ăn đã trở thành nét văn hóa của người dân Việt Nam nhé.
1) Đôi nét về Tết cổ truyền:
Tết cổ truyền hay còn gọi là Tết Nguyên đán, Tết Cả, Tết Âm lịch, Tết ta. Đây là một dịp lễ lớn nhất trong năm đối với người dân Việt Nam. Người dân dùng lịch Âm để xác định thời gian của Tết cổ truyền. Ngày Tết sẽ được bắt đầu vào ngày đầu tiên của năm Âm lịch, tức ngày 1 tháng 1. Thời gian diễn ra Tết là vào khoảng thời gian mà người nông dân đã nhàn rỗi và được nghỉ ngơi để chuẩn bị cho một vụ mùa mới.
Tết cổ truyền được xem là thời điểm thể hiện cho sự giao thoa của đất- trời, thần linh- con người. Nguồn gốc của chữ Tết, bắt đầu bằng chữ tiết, biểu hiện cho thời tiết, vận hành theo 4 mùa trong năm: Xuân- Hạ- Thu- Đông. Thời điểm diễn ra Tết nguyên đán cũng chính là tiết Xuân, là khoảng thời gian cây cối đâm chồi nẩy lộc, vạn vật được khoác lên chiếc áo mới. Trong không khí tràn ngập sức sống đó, chúng ta đều bỏ lại sau lưng những bộn bề lo toan cuộc sống, dành thời gian ở bên gia đình, bày tỏ tấm lòng thành kính đến ông bà, tổ tiên và sum vầy cùng nhau sau những ngày tháng lao động vất vả.
Tết cổ truyền (nguồn: internet)
2) Những món ăn không thể thiếu vào ngày Tết cổ truyền xưa:
Vì là thời điểm gia đình cùng nhau sum vây sau những ngày tháng lao động vất vả, nên những món ăn trong dịp Tết cổ truyền xưa luôn là những món ăn, không chỉ ngon mà con mang đậm nét văn hóa Việt Nam dù là ở bất kỳ vùng miền nào, được xem là đặc sản không thể thiếu trong những ngày Tết.
2.1 Bánh chưng, bánh tét:
Bánh chưng, bánh tét là 2 loại bánh truyền thống không thể bỏ qua nhân dịp Tết đến xuân về. Đây là 2 loại bánh được dâng lên bàn thờ tổ tiên hoặc được dùng để biếu quà Tết đến bạn bè, người thân dựa theo sự tích Lang Liêu từ thời Vua Hùng thứ 18 . Ở một vài nơi, người dân còn tập trung theo gia đình, dòng họ, hàng xóm để gói bánh, luộc bánh và trò chuyên xuyên đêm vào khoảng 25 Âm lịch cho đến hết ngày 29 Âm lịch. Bánh chưng, bánh tét đã đi cùng người Việt xuyên suốt từ thời cha ông, và trở thành món ăn không thể thiếu vào ngày Tết từ xa xưa, vẫn được duy trì cho đến ngày nay.
Bánh chưng, bánh tét (nguồn: internet)
2.2 Thịt mỡ:
“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ”- đây là câu ca dao từ xa xưa của ông bà ta. Nghe qua câu ca dao, ta sẽ có thể thấy rằng “thịt mỡ” là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Thịt mỡ là thịt lợn, lợn vừa là con vật quen thuộc cũng được xem như là nguồn thực phẩm chính của người dân Việt Nam. Vào dịp Tết, người dân sẽ dùng thịt lợn đã được lọc mỡ, lấy phần mỡ lợn rán lấy mỡ nước để dành dùng ăn hết tháng Giêng; thịt heo nạc sẽ được đem đi làm giò lụa, một số thịt còn lại sẽ được chế biến vào những món ăn khác.
Thịt mỡ (nguồn: internet)
2.3 Thịt kho hột vịt:
Nếu đã nhắc đến thịt mỡ thì chắc hẳn không thể thiếu món ăn “thịt kho tàu” vào ngày Tết. Nếu ở miền Bắc không thể thiếu món giò lụa vào ngày Tết, thì ở miền Nam không thể thiếu được thịt kho tàu. Món thịt kho tàu, hay còn gọi là thịt kho hột vịt, được làm từ thịt theo ba rọi cắt thành các miếng vuông to, kho cùng hột vịt. Hột vịt to, tròn trịa, đều đặn, phối hợp cùng những miếng vuông to của thịt heo mang ý nghĩa của sự bình an. Và đó là lí do mà thịt kho hột vịt đã xuất hiện trong những ngày Tết xưa, cho đến nay.
Thịt kho hột vịt (nguồn: internet)
2.4 Dưa hành:
Đã có thịt mỡ, phải có dưa hành. Dưa hành là món ăn đặc trưng ngày Tết của người Bắc. Món này có vị chua, cay nhẹ, được dùng để ăn với bánh chưng hay thịt đông giúp cho món bánh chưng và thịt đông thêm tròn vị trong những ngày Tết.
Dưa hành (nguồn: internet)
3) Những món ăn mới phổ biến trong ngày Tết cổ truyền thời nay:
3.1 Chả bò:
Sau khi đã quá quen thuộc với những món truyền thống như thịt kho hột vịt, thịt đông, chả lụa những bà nội trợ lại bắt đầu tìm tòi phát minh ra những món mới để phục vụ cho ẩm thực ngày tết. Một trong những món được đón nhận nhiều nhất dịp tết trong những năm gần đây chính là Chả bò. Chả bò được dùng như một món ăn chơi vào ngày Tết, được ăn kèm cùng củ kiệu, tôm khô.
Chả bò (nguồn: internet)
3.2 Thịt heo ngâm mắm:
Thịt heo nếu còn dư sau khi đã chế biến những món ăn Tết, người dân sẽ dùng để ngâm mắm nhằm sử dụng lâu hơn, đây là món ăn đặc sản của người dân miền Trung. Thịt heo được ngâm cùng với nước mắm đã được nấu cùng đường và giấm, ăn rất bắt miệng và cực ngon khi được dùng với cơm nóng. Đây cũng là món ăn chỉ mới xuất hiện trong những ngày Tết nay.
Thịt heo ngâm mắm (nguồn: internet)
3.3 Lạp xưởng:
Lạp xưởng là món ăn từ Trung Hoa, lâu dần, trở thành món ăn không thể thiếu trong dịp tết Ta ngày nay. Thời gian chế biến lạp xưởng khá lâu nhưng bù lại thời gian bảo quản lạp xưởng cũng khá dài, nên đây là món ăn được dân ta ưa dùng trong những ngày Tết. Lạp xưởng mang sắc màu đỏ, thể hiện cho sự may mắn, tài lộc, sum vầy. Đó cũng là lí do lạp xưởng trở thành món ăn được người dân Việt Nam dùng để xuất hiện trong mâm cổ Tết ngày nay.
Lạp xưởng (nguồn: internet)
4) Sự giao thoa của văn hóa xưa & nay:
4.1 Bánh chưng, bánh tét:
Vào dịp Tết đến xuân về, người dân thường sắm sửa, dọn dẹp, trang trí nhà cửa. Nếu ngày xưa, vào dịp Tết, nhà nhà sẽ cùng nhau gói bánh và nấu bánh chưng, thì ngày nay, các phong tục đó đã được loại bỏ ở một số khu vực. Tuy nhiên, bánh chưng bánh tét vẫn là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết ngày nay. Những gia đình nào không có điều kiện, không gian để gói và nấu bánh, người dân sẽ lựa chọn mua bánh từ những thương hiệu uy tín để trước cúng bàn thờ ông bà, sau là để gia đình dùng dần vào những ngày Tết. Và trainghiemlambanh.com tin rằng món “bánh chưng, bánh tét” sẽ luôn là linh hồn của mâm cỗ ngày tết, sẽ luôn được nhiều thế hệ con cháu Việt Nam gìn giữ và duy trì thêm nhiều năm sau nữa dù cuộc sống có hiện đại đến mấy.
Nấu bánh chưng, bánh Tét (nguồn: internet)
4.2 Đón giao thừa
Dù là xưa hay nay, đón giao thừa vẫn là khoảnh khắc quan trọng và thiêng liêng nhất đối với người dân Việt Nam vào dịp Tết Nguyên Đán. Ngày xưa, giao thừa sẽ được mọi người chào đón rất trang trọng, dành nhiều thời gian để bày mâm cúng đón ông bà tổ tiên, thần linh và sau đó sẽ cùng nhau đón giao thừa. Ngày nay, các tục lệ bày mâm cỗ cúng vào đêm giao thừa đã được lược bỏ hoặc đơn giản hóa rất nhiều ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, người Việt Nam vẫn duy trì thói quen thức đón giao thừa, xem pháo hoa, dành cho nhau những lời chúc may mắn đầu năm, sau đó sẽ đi chùa, đình vào rạng sáng ngày đầu tiên của Tết Âm lịch để hái lộc, cầu bình an cho gia quyến.
Đón giao thừa (nguồn: internet)
4.3 Trang trí ngày Tết với mai - đào:
Tết xưa, bạn sẽ thấy trước hầu hết mỗi nhà đều chưng những chậu mai, đào to ngày Tết. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế ngày nay, người dân không phải ai ai cũng có khả năng trang trí cây cảnh ngày Tết, đặc biệt là những chậu mai và đào lớn có giá thành rất cao. Thay vào đó, người dân có xu hướng lựa chọn những chậu mai, đào nhỏ hơn để trang trí, vừa hợp túi tiền, lại vẫn có thể mang đến không khí xuân ngập tràn cho ngôi nhà. Ngoài mai – đào truyền thống, người nông dân cũng rất cập nhật xu hướng để lai tạo ra những giống cây mới, giá thành rẻ hơn, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng nhưng vẫn mang nét đặc trưng của tết như: mai đỏ, nụ tầm xuân, tuyết mai....
Trang trí ngày Tết (nguồn: internet)
Bài viết đến đây đã rất dài rồi, và đã đến lúc nói tạm biệt bạn đọc, Trainghiemlambanh.com hi vọng rằng bài viết đã mang đến cho bạn những thông tin thú vị về Tết cổ truyền xưa và nay. Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài và hẹn gặp lại bạn trong những bài viết sắp tới nhé.
Nguồn: tổng hợp
Xem thêm