Nguồn gốc và ý nghĩa của bánh Mochi

  • 09/10/2023
  • 433

Mochi là một loại bánh giầy nhân ngọt truyền thống của Nhật Bản làm từ bột gạo nếp hay gạo nếp giã nhuyễn và được dùng để ăn như một món ăn quen thuộc mỗi ngày. Ngoài ra, mochi cũng là loại vật phẩm được dâng lên thần linh và có ý nghĩa mang lại may mắn. Trong bài viết này, xin mời mọi người cùng trainghiemlambanh.com tìm hiểu về chiếc bánh mochi nhé.

1. Nguồn gốc của mochi:

Mochi là chiếc bánh có nguồn gốc từ Nhật Bản. Mochi xuất hiện lần đầu tiên tại Nhật vào thế kỷ 18 ở kinh thành Edo và luôn có mặt trong các dịp lễ Tết quan trọng hoặc những buổi họp mặt ý nghĩa.

Bánh Mochi được làm từ gạo. Người Nhật quan niệm rằng hạt gạo chính là tinh hoa của đất trời, là cội nguồn của sự sống mà thần linh ban phát cho con người. Ngày xưa, Mochi là chiếc bánh tượng trưng cho tình làng nghĩa xóm. Lúc ấy, dân số của kinh thành Edo đông đúc khoảng 1 triệu người. Họ sống tập trung trong các khu nhà chật hẹp. Các bà nội trợ thường tập hợp với nhau cùng làm bánh Mochi trong sân chung của khu nhà. Người thì góp nguyên liệu, người thì góp công sức…Sau khi bánh Mochi làm xong, được chia đều và cắt nhỏ thành từng miếng hình chữ nhật bằng nhau (Kaku Mochi), chứ không có hình dạng tròn như bây giờ.

Tại Nhật Bản, gạo là một thực phẩm dinh dưỡng cũng như món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa ăn. Ngày 10/10 hằng năm tại Nhật Bản là ngày hội thể thao toàn quốc. Vào ngày này, để có sức khỏe tốt đi thi đấu thì không thể nào thiếu được những thực phẩm dinh dưỡng. Vì vậy mà những chiếc bánh mochi được sử dụng rất nhiều để bổ sung năng lượng cho các vận động viên. Vậy nên người dân Nhật Bản đã đặt ngày này là ngày bánh mochi và nó trở thành một ngày đặc biệt trong năm của họ.

Kaku Mochi (nguồn: tổng hợp)

Mochi còn là món bánh của sự gắn kết các thành viên trong gia đình và bạn bè với nhau. Ngày nay, bánh mochi tượng trưng cho ước nguyện về một cuộc sống đủ đầy và hạnh phúc. Không chỉ phục vụ nhu cầu tráng miệng sau mỗi bữa ăn, bánh mochi còn được sử dụng như những món quà đầy ý nghĩa mà mọi người trao tặng nhau trong những sự kiện quan trọng: Giáng sinh, Tết nguyên đán, lễ tình nhân, lễ Obon,….

Bánh Mochi (nguồn: tổng hợp)

2. Sự tích về thỏ ngọc và bánh mochi

Nếu như người Việt Nam tưởng tượng trên cung trăng có cây đa và chú Cuội, thì người Nhật tin rằng có một chú thỏ đang sinh sống trên vương quốc của thần Mặt trăng bất tử và đến đêm Otsukimi (Tết trung thu tại Nhật), lại giã bột để làm bánh giầy mochi.

Một trong những truyền thuyết về Thỏ ngọc được trẻ con Nhật Bản yêu thích có nguồn gốc từ thần thoại Ấn Độ , kể về 3 con vật là khỉ, cáo và thỏ được Thượng đế thử thách khi Thượng đế hóa thân thành một ông lão và đến xin chúng thức ăn.Trong khi khỉ nhanh nhảu trèo lên cây để hái thật nhiều trái ngon, còn cáo thì đi trộm đồ cúng từ các ngôi mộ để biếu tặng ông lão, chỉ có mỗi thỏ là không có gì cả. Vì vậy để có thức ăn biếu ông lão, thỏ đã lao mình vào đống lửa để hiến tặng chính bản thân mình. Cảm động trước tấm lòng của thỏ, Thượng đế đã hồi sinh cho thỏ rồi đưa nó lên cung trăng để tôn vinh trước tất cả mọi người.

Thỏ ngọc và bánh mochi (nguồn: tổng hợp)

3. Ý nghĩa của bánh mochi ở Nhật Bản vào các dịp lễ:

   3.1 Lễ Tết:

Bánh Mochi Nhật Bản đã có từ rất lâu đời và là một món ăn không thể thiếu trong các gia đình Nhật Bản nhân dịp năm mới. Họ bày trí Mochi ở hốc tường Toko-noma trang trọng trong phòng khách hoặc trong nhà bếp. Những chiếc bánh này được gọi là Kagami-mochi, tức bánh Mochi dâng lên thần linh. Ngày Tết, người Nhật cúng bánh Mochi để cầu nguyện cho một năm dồi dào sức khỏe và trường thọ. Vào những ngày truyền thống, người Nhật cột bánh Mochi trên thanh tre dài rồi nướng trong đống lửa. Họ tin rằng khi ăn bánh Mochi nướng tại lễ Dondo-yaki sẽ mang lại sức khỏe cho suốt cả năm.

    3.2  Lễ cưới

Khi vượt qua giai đoạn trẻ thơ, bước vào tuổi trưởng thành và kết hôn, bánh Mochi lại xuất hiện trong lễ cưới của mọi người. Theo phong tục, một số người tiến hành nghi thức giã bánh gạo Mochi ngay trên sân khấu làm lễ cưới của cô dâu – chú rể. Truyền thống này đã được lưu truyền từ rất lâu. Chú rể cũng tự tay giã bánh ngay tại tiệc cưới của mình. Sau đó, đôi uyên ương thực hiện nghi thức ăn bánh Mochi. Đặc điểm của loại bánh gạo nếp này là rất dẻo và dính, vì vậy, người Nhật cho rằng, những cặp vợ chồng cùng ăn bánh Mochi sẽ sống với nhau mãi mãi, không thể tách rời nhau.

    3.3  Lễ dựng nhà mới Choto-shiki của người Nhật

Bánh Mochi cũng có mặt trong lễ dựng nhà mới Choto-shiki của người Nhật. Buổi lễ do một vị chức sắc trong Thần Đạo chủ trì. Sau đó, những người phụ trách công trình sẽ ném bánh gạo ra phía trước hiên nhà với niềm tin các vị thần đất đai sẽ phù hộ cho việc xây dựng tòa nhà thành công, không gặp trở ngại. Số bánh Mochi bị ném đi sẽ được các em nhỏ nhặt hết. Đây được xem là sự chia sẻ niềm vui với gia chủ. Đối với người Nhật, bánh Mochi theo chân họ từ khi mới được sinh ra, đến lúc trưởng thành và tự lập cuộc sống riêng.

4. Ý nghĩa từng loại bánh mochi:

    4.1 Hishi mochi

Hishi mochi là món bánh truyền thống được dùng trong dịp lễ Hinamatsuri - ngày lễ của bé gái ở Nhật Bản. Bánh Hishi mochi có hình thoi, với 3 lớp màu đỏ, xanh lá, trắng được lên màu từ hoa nhài, củ ấu và ngải cứu.  Bên cạnh đó, với hình dáng kim cương bánh Hishi mochi như lời cầu chúc về một cuộc sống trường thọ và sung túc gửi đến người thưởng thức.

Hishi Mochi (nguồn: tổng hợp)

      4.2 Sakuramochi:

Bánh có lớp vỏ màu hồng, cuộn trong lá của cây hoa anh đào. Sakuramochi làm bằng bột nếp, dẻo mềm và có màu hồng phớt đặc trưng. Nhân bánh thường là đậu đỏ ngọt bùi.

Bánh mochi hoa anh đào được chia thành hai loại khác nhau tùy theo vùng miền. Loại bánh ở vùng Kanto có vỏ bánh được làm bằng bột mì, đem đi kéo mỏng và nướng lên. Loại bánh ở vùng Kansai thì có vỏ bánh bằng bột gạo doumyoji rồi đem hấp. Lớp vỏ của loại này cũng làm từ gạo nếp nhưng không giã nhuyễn mà vẫn để lại những hạt gạo còn nguyên hình dáng.

Để làm bánh, người nghệ nhân hấp chín gạo nếp, sau đó trộn một ít đường và đem đi giã nhuyễn bằng cối. Đây là công đoạn mất nhiều thời gian nhất để bột mềm và mịn. Để tạo màu hồng phớt cho bánh, ta phải nghiền cánh hoa anh đào để ép lấy nước, tạo màu cho bột. Đậu đỏ được hấp chín và nghiền nhỏ, sên với đường cho ngọt. Sau đó, bột nếp đã giã dàn mỏng và cho viên đầu đỏ vào, bọc lại, nặn hình tròn. Để cho đúng điệu, người ta thường trang trí chúng với một lá hoa anh đào hoặc một viên anh đào muối để kích thích thị giác.

Cũng giống như các thức quà khác của người Nhật, sakuramochi phù hợp nhất để dùng khi thưởng trà đạo. Vị chát, bùi của matcha (trà xanh) kết hợp với vị thanh, bùi của mochi tạo nên hậu vị bùi, ngọt trên lưỡi. Bánh được bày bán ở các cửa hàng mochi truyền thống từ tháng 2 đến đầu tháng 4, trùng với mùa hoa anh đào nở rộ.

Sakuramochi (nguồn: tổng hợp)

     4.3 Kashiwa mochi:

Kashiwa mochi có từ giữa thế kỉ 18 - thời kì Edo được biết đến như là một loại bánh của dành cho trẻ em vào ngày Mùng 5 Tháng 5 phổ biến ở vùng Kansai và phía Tây Nhật Bản sau lan rộng ra Tokyo và Miền Đông.

Ở Nhật, người dân tổ chức khá nhiều ngày lễ cho trẻ em, như lễ hội thiếu nhi búp bê Hinda (ngày cho bé gái); ngày thiếu nhi Nhật Bản Mùng 5 Tháng 5 (ngày của các bé trai) hay Quốc tế thiếu nhi Mùng 1 Tháng 6… Vào mỗi dịp lễ này, các gia đình thường làm tặng trẻ em món bánh Kashiwa mochi - một món bánh gạo hấp nhồi mứt đậu. Đây là loại bánh có hương vị ngọt ngào nên được trẻ em ở Nhật rất ưa chuộng. Không những thế, theo lý giải từ nguồn gốc, Kashiwa mochi thể hiện cho kỷ niệm tuổi thơ của mỗi đứa trẻ ở Nhật. Bố và mẹ thưởng cho trẻ bánh Kashiwa mochi với ý nghĩa như sự mong muốn đứa trẻ được khỏe mạnh, “hay ăn chóng lớn”. 

Kashiwa mochi (nguồn: veggiekinsblog.com)

Vậy là chúng ta đã tìm hiểu đôi nét về bánh mochi cùng trainghiemlambanh.com rồi nè. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết nhé ^^

Nguồn: tổng hợp

Bình luận