Nguồn gốc và ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh.

  • 20/12/2023
  • 100

Những ngày này, đường phố Sài Gòn đã tràn ngập không khí Giáng Sinh với tiết trời se lạnh. Đi lướt nhanh qua những con phố trung tâm, bạn sẽ cảm nhận ngay được Giáng Sinh đang tới rất gần với rất nhiều cây thông Noel, vòng quế, tuần lộc hay ông Già Noel được trang trí sống động bên ngoài các tòa nhà lớn nhỏ. Vậy ngày Lễ Giáng Sinh là ngày gì, và ngày lễ này có ý nghĩa thế nào?

Hãy cùng trainghiemlambanh.com tìm hiểu thêm những thông tin thú vị về ngày Lễ Giáng Sinh trong bài viết sau nhé.

1. Lễ Giáng Sinh là gì?

2. Nguồn gốc của ngày Lễ Giáng Sinh

      2.1 Trên thế giới

      2.2 Ở Việt Nam

3. Ý nghĩa của ngày Lễ Giáng Sinh

1. Lễ Giáng Sinh là gì?

Lễ Giáng Sinh còn được gọi là ngày lễ Thiên Chúa Giáng sinh, là ngày lễ hội của tôn giáo để kỉ niệm ngày chúa Giêsu ra đời. 

Ngày lễ Giáng Sinh được diễn ra chính thức vào ngày 25 tháng 12 hằng năm, nhưng mọi người thường mừng lễ với nhau vào khoảng chiều tối ngày 24 tháng 12. Ngày 25 tháng 12 là thời điểm chính thức diễn ra ngày lễ, thường được gọi là ngày "lễ chính ngày". Trong khi đó, ngày 24 tháng 12 được gọi là ngày "lễ vọng"

Ở Việt Nam, Lễ Giáng Sinh còn được gọi là Noel. Noel (phiên âm tiếng Việt: Nô-en hoặc No-en) được bắt nguồn từ tiếng Pháp Noël, dạng cổ hơn là Naël, có gốc từ tiếng Latinh nātālis (diēs,  có nghĩa là "(ngày) sinh". Cũng có ý kiến cho rằng tên gọi Noel xuất phát từ danh hiệu Emmanuel, tiếng Hebrew nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta", được chép trong sách Phúc âm Matthêu.

Trong tiếng Anh, ngày lễ này được gọi phổ biến là Christmas, theo nghĩa chiết tự là "(ngày) lễ của Đức Kitô". Chữ Mass nghĩa là thánh lễ. Chữ Christ là tước hiệu của Giêsu, được viết trong tiếng Hy Lạp là Χριστός (Khristós, phiên âm Việt là "Ki-tô" hoặc "Cơ-đốc", có nghĩa là Đấng được xức dầu), mở đầu bằng chữ cái "X" (Chi) nên Christmas còn được viết tắt là Xmas.

Chúa Giáng sinh bên trong hàng lừa

Chúa Giáng sinh bên trong hàng lừa

2. Nguồn gốc của ngày Lễ Giáng Sinh

2.1 Trên thế giới

Câu chuyện truyền thống về Giáng sinh, sự giáng sinh của Giêsu, được mô tả trong Tân Ước nói rằng Giê-su được sinh ra ở Bethlehem, phù hợp với những lời tiên tri về đấng thiên sai. Khi Giuse và Maria đến thành phố, nhà trọ không còn chỗ trống và vì vậy họ phải ngủ cạnh máng cỏ nuôi gia súc, nơi Chúa Hài Đồng được sinh ra sau đó, với các thiên thần loan báo tin này cho những người chăn cừu, sau đó họ đã lan rộng thông tin này.

Mặc dù không rõ tháng và ngày sinh của Giêsu, nhưng giáo hội vào đầu thế kỷ thứ tư đã ấn định ngày sinh của Người là 25 tháng 12. Điều này tương ứng với ngày Đông chí trên lịch La Mã. Hầu hết các tín đồ Kitô giáo ăn mừng vào ngày 25 tháng 12 theo lịch Gregory, lịch này đã được áp dụng gần như phổ biến trong lịch dân sự ở các nước trên thế giới. 

Nhà thờ Giáng sinh tại Bethlehem - quê hương của Chúa.

Nhà thờ Giáng sinh tại Bethlehem - quê hương của Chúa.

2.2 Ở Việt Nam

Năm 1533, đạo Công Giáo đã du nhập vào Việt Nam thông qua các hoạt động giao thương với các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp và Nhật Bản ở châu Á để trao đổi hàng hóa và vũ khí quân sự. Tuy vậy, mãi đến năm 1643, ngày lễ Giáng Sinh đầu tiên mới được tổ chức trên đất nước hình chữ S nhưng sự hiện diện của các giáo sĩ vẫn còn rất hạn chế vì lý do phân tranh giang sơn giữa 2 nhà Trịnh - Nguyễn. Thay vào đó, Lễ Giáng Sinh đầu tiên tại Việt Nam được diễn ra long trọng cách đây 380 năm (1643 - 2023) lại do một người phụ nữ Việt Nam lần đầu tiên chủ sự và giảng thuyết.

Ngược dòng lịch sử trở về năm 1625, Minh-đức Vương Thái Phi (vợ chúa Nguyễn Hoàng, mẹ của Hoàng tử Nguyễn Phúc Khuê; tước hiệu Vương Phi, được đứng đầu hàng Thứ phi) khi ấy đã ngoài 50 tuổi, bà gia nhập Công giáo tại Thuận Hóa, do giáo sĩ Francisco Di Pina rửa tội cho bà với tên Thánh là Maria Madalena.

Theo các sử kiện để lại, sau ngày được phước gia nhập Đạo, bà Maria Mađêlêna Minh-Đức Vương Thái Phi đã cho xây dựng nơi bà cư ngụ một ngôi nhà thờ nhỏ, tọa lạc ngay bên dinh ông Quận công Nguyễn Phúc Khê - con bà (thuộc khu đất vùng Kim Long hoặc miền phụ cận ngoại ô thành phố Huế ngày nay)

Đây là nơi tập trung các tín hữu toàn tỉnh hồi đó và các văn bản đều ghi “ngôi nhà thờ ấy rất xinh đẹp”. Vậy thì ít ra cũng là ngôi nhà rộng rãi, lịch sự, thông thoáng, có mái ngói, cột sơn son, chạm trổ tinh vi, hoành phi câu đối như kiểu “nhà từ đường” của các dòng họ đương thời.

Chính tại ngôi nhà thờ trên, trong bối cảnh Giáo hội đang gặp khó khăn, dưới áp lực của nhà cầm quyền, cha Đắc Lộ bị trục xuất phải ra đi nên không có một linh mục nào khác có mặt trong xứ. Bởi vậy thầy giảng Y-Nha-Xô và bà Minh Đức thay thế các linh mục tổ chức mừng lễ Chúa Giáng Sinh rất long trọng vào năm 1643. 

Không khí Giáng Sinh tại Hà Nội.

Không khí Giáng Sinh tại Hà Nội.

3. Ý nghĩa của ngày Lễ Giáng Sinh

Kỷ niệm sự ra đời của Chúa Giêsu Kitô không chỉ là một ngày lễ hay lễ hội Kitô giáo. Đối với các tín đồ Kitô giáo, Lễ Giáng Sinh chính là cơ hội để mỗi người dừng lại những bộn bề cuộc sống, để tạ ơn vì tình yêu, niềm hy vọng và niềm vui họ tìm thấy nơi Chúa Giêsu – Đấng Cứu Độ và là bạn của mỗi tín đồ Kitô giáo, giúp họ luôn có nơi để gởi gắm đức tin và không ngừng phấn đấu sống tốt hơn mỗi ngày.

Hành động trao đổi quà tặng trong dịp Giáng Sinh với những người thân yêu, bạn bè là cách để tưởng nhớ đến món quà mà vào đêm Giáng Sinh đầu tiên  nhân loại nhận được, đó chính là sự ra đời của Chúa Giêsu. Việc tặng quà sẽ luôn nhắc nhớ chúng ta về sự may mắn, tình yêu thương, sự ấm áp và niềm hy vọng vào tương lai.

Cùng cách lý giải đó, nhân vật Ông già Noel cũng chính là một biểu tượng của sự ấm áp, lòng nhân ái và niềm hi vọng cho mỗi đứa trẻ trên hành tinh này. Vì vậy, Noel cũng trở thành ngày lễ được mong chờ nhất trong kí ức của những đứa trẻ, là ngày mà những đứa trẻ sẽ viết điều ước của mình với mong muốn rằng điều ước đó sẽ trở thành hiện thực bởi Ông Già Noel.

Ngoài ra, Ngày lễ Giáng Sinh còn mang thông điệp của sự hoà bình: “Vinh danh Thượng Đế trên cao – Bình an cho người dưới thế”.

Ông Già Noel phát quà cho các bạn nhỏ.

Ông Già Noel phát quà cho các bạn nhỏ

Cảm ơn bạn đã cùng trainghiemlambanh.com/VitalPlus tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ Giáng Sinh. Mong rằng những thông tin trên sẽ giúp bạn có thêm một góc nhìn mới về ngày lễ này. Mời bạn cùng đọc bài viết tiếp theo của trainghiemlambanh.com để biết được trong ngày Giáng sinh này sẽ có những hoạt động thú vị nào diễn ra nhé!

                                                                                                                                                                                                                                    (Nguồn: Tổng hợp)

Bình luận