Top 7 vị bánh dẻo được ưa thích nhất
Có bao giờ bạn thắc mắc vì sao trung thu phải có bánh nướng và bánh dẻo không? Chúng ta đều biết, văn hóa của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi văn hóa của Trung Quốc sau hơn 1000 năm Bắc thuộc. Và văn hóa Tết Trung thu của Việt Nam cũng là một trong những nét văn hóa mà chúng ta gìn giữ từ thời Bắc thuộc. Vậy thì bánh dẻo của Việt Nam có xuất xứ thế nào? Hãy cùng trainghiemlambanh.com tìm hiểu trong bài viết hôm nay nhé.
1. Nguồn gốc bánh dẻo
1.1 Xuất xứ của bánh dẻo
Không thể biết chính xác nguồn gốc ra đời của bánh dẻo - loại bánh trung thu đặc sản của Việt Nam, chỉ biết rằng loại bánh này đã xuất hiện từ rất lâu đời trong mâm bánh Trung Thu của người Việt từ những ngày đầu lập Quốc. Cứ mỗi dịp lễ tết trung thu, người Việt lại làm cả hai loại bánh trung thu, bao gồm bánh nướng – do ảnh hưởng 1000 năm Bắc thuộc và bánh dẻo – một nét ẩm thực do người nông dân Việt Nam sáng tạo ra, với mong muốn cầu chúc cho mùa màng bội thu.
1.2 Ý nghĩa của bánh dẻo
Cả hai loại bánh này thường được bày cùng với nhau vào mỗi dịp Tết Trung thu để thể hiện sự hài hòa của đất trời. Trong khi bánh nướng có nguồn gốc từ Trung Quốc rất phổ biến tại nhiều quốc gia Á Đông khác đến nỗi bánh dường như đồng nghĩa với khái niệm "bánh trung thu", thì bánh dẻo lại mang một nét đặc trưng rất Việt Nam với những nguyên liệu vùng miền: Vỏ bánh gồm bột nếp, nước hoa bưởi, nước đường và nhân bánh gồm đậu xanh, hạt sen. Bánh dẻo thường được làm dạng hình tròn trụ, được ấn trong khuôn gỗ hoặc nhựa để tạo ra hoa văn tinh tế trên bề mặt bánh. Bánh dẻo truyền thống chỉ thuần một màu trắng, không chỉ có ý nghĩa tượng trưng cho ánh trăng tròn vành vạnh trong đêm trung thu, mà sự tròn đầy của bánh còn thể hiện niềm mong muốn của người Việt về một cái tết đoàn viên, sum vầy của những thành viên trong mái ấm gia đình.
1.3 Thành phần của bánh dẻo
Ngoại trừ bánh dẻo chay không nhân, bánh dẻo thông thường gồm hai phần vỏ bánh và nhân bánh, với nguyên liệu cho từng phần như sau:
Vỏ bánh dẻo theo truyền thống có màu trắng trong, sử dụng
(1) bột nếp rang chín, xay và rây mịn (đôi khi có thể thêm một phần tinh bột ngô, bột mì)
(2) nước đường: tuy không cần quá cầu kỳ như bánh nướng vốn dĩ cần nước đường để rất lâu, thậm chí hàng năm, nước đường làm bánh dẻo có thể nấu sử dụng trong ngày. Tuy nhiên, nước đường để càng lâu cũng càng làm cho bánh ngon hơn
(3) nước hoa bưởi
(4) một chút dầu ăn loại không mùi, màu nhẹ: dầu ăn giúp tránh cho bột bánh bị khô, tuy nhiên nhiều nghệ nhân làm bánh không dùng đến nguyen liệu này.
Hiện nay, hình thức vỏ bánh dẻo trung thu có nhiều thay đổi. Song song với màu trắng truyền thống, vỏ bánh có nhiều vị và màu sắc thu hút hơn, với sự hỗ trợ của phẩm màu thực phẩm, bột trà xanh, bột trái cây rau củ (chanh dây, dâu tây, hạt dành dành, hoa đậu biếc, củ dền và bột tinh chất than tre….)
Nhân bánh dẻo truyền thống: thường được biết đến với kiểu nhân đậu xanh (hoặc hạt sen) được làm nhuyễn, sên đặc (có thể kèm lòng đỏ trứng muối). Tuy nhiên, với yêu cầu về ẩm thực ngày càng cao của xã hội, nhân bánh dẻo đã được biến tấu ngày càng đa dạng và hấp dẫn hơn rất nhiều hơn rất nhiều. Một số loại nhân bánh dẻo rất được ưa chuộng trong những năm gần đây có thể kể đến như: nhân đậu xanh sầu riêng, nhân khoai môn sữa dừa, nhân chocolate, nhân matcha, nhân cốm và dừa bào sợi… Mỗi loại đều có hương vị đặc trưng khiến cho thực khách hài lòng.
2. Top 7 vị bánh dẻo được ưa thích nhất
2.1 Bánh dẻo truyền thống nhân thập cẩm
Có thể nói bánh dẻo nhân truyền thống nhân thập cẩm là chân ái của các thế hệ đi trước. Không tin bạn cứ thử để ý xem, nếu là các Ông Bà, Bố Mẹ đi mua bánh trung thu, thì chắc hẳn trong giỏ bánh sẽ có một vài cái bánh dẻo thập cẩm. Vì sao vậy? Đơn giản là vì Ông Bà Cha Mẹ chúng ta chính là những người luôn giữ ngọn lửa truyền thống cho gia đình. Và còn vì lý do, qua bao nhiêu năm tháng, vị bánh truyền thống đã trở thành một mùi vị của hoài niệm, của hồi ức về những ngày tháng xưa cũ – những nơi mềm mại nhất trong tiềm thức mà mỗi người luôn muốn hướng về mỗi khi có cơ hội. Vậy nên, mỗi năm đến Tết Trung Thu, nếu là người được giao nhiệm vụ đi mua bánh cho gia đình, bạn đừng quên chọn bánh dẻo nhân thập cẩm dành phần cho Ông bà – Cha Mẹ.
Bánh dẻo truyền thống nhân thập cẩm
2.2 Bánh dẻo đậu xanh – hạt sen:
Cũng giống như bánh dẻo nhân thập cẩm, bánh dẻo nhân đậu xanh đã trở thành một phần không thể thiếu trong ký ức của thế hệ đi trước. Thậm chí, bánh còn có phần được ưu ái hơn vì cấu trúc của vỏ bánh và nhân bánh đều mềm mịn, đặc biệt phù hợp với Ông Bà – Cha Mẹ đã lớn tuổi, không ăn được những đồ cứng. Bên cạnh nhân đậu xanh, thì nhân bánh được phối hợp giữa đậu xanh – và hạt sen cũng rất được lòng các bậc phụ huynh, bởi lẽ không chỉ giữ được sự mềm mịn của nhân, mà vị đậu xanh phối hợp với hạt sen cũng rất hợp khẩu vị, hạt sen còn là một nguyên liệu có nhiều giá trị sức khỏe, đặc biệt là đối với người cao tuổi.
2.3 Bánh dẻo nhân khoai môn sữa dừa
Hòa theo xu hướng thị trường, các cửa hàng bánh handmade đã luôn mạnh dạn trong việc kết hợp những mùi vị mới độc đáo để cho ra những vị nhân mang dấu ấn riêng của cửa hàng mình. Và nhân khoai môn sữa dừa là một trong những thử nghiệm thành công của một tiệm bánh nào đó. Nó thành công đến nỗi, nhân khoai môn sữa dừa sau đó đã được thêm vào thực đơn bánh trung thu mỗi mùa chứ không chỉ là xu hướng trong một thời gian ngắn. Có lẽ, cái thành công của món nhân này đến từ sự kết hợp hoàn hảo giữa màu sắc, mùi vị và kết cấu. Màu tím của khoai môn kết hợp cùng sữa dừa thơm béo đã tạo nên một hương vị mới mẻ mà không kém phần hấp dẫn.
Bánh dẻo nhân khoai môn sữa dừa (nguồn: tổng hợp)
2.4 Bánh dẻo nhân socola
Nói đến socola, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những món ăn mang hơi hướng hiện đại như kem, bánh mousse, socola phối trái cây các vị… Nếu là những năm về trước, chắc hẳn bạn sẽ không nhìn thấy bất kỳ sự liên kết nào giữa bánh dẻo và socola. Nhưng với tư duy hiện đại và luôn bắt kịp trào lưu ẩm thực của các bếp bánh ngày nay, không gì là không thể. Khi giới trẻ cảm thấy hương vị truyền thống đôi khi hơi nhàm chán, thì bánh dẻo vị socola chắc chắn sẽ là một trong những sự lưa chọn mang tính“cách tân” mà họ muốn trải nghiệm.
Vỏ bánh có thể màu trắng hoặc màu socola tùy sở thích, nhưng điểm nhấn của chiếc bánh này nằm ở phần nhân. Bên trong lớp nhân dẻo là một lớp nhân chảy, bí quyết giúp món bánh này ghi điểm trong lòng giới trẻ. Mùi vị socola gần như lấn át hoàn toàn mùi bánh dẻo, lớp nhân chảy sóng sánh sẽ đánh thức mọi cơ quan vị giác của bạn, cho bạn một trải nghiệm mới mẻ và phải thốt lên: không ngờ bánh dẻo socola lại ngon như vậy? Hãy thử một lần để cảm nhận nhé!
Bánh dẻo nhân socola (nguồn: tổng hợp)
2.5 Bánh dẻo nhân đậu xanh sầu riêng
Nếu bạn là một người yêu thích sầu riêng, bạn hẳn sẽ rất tự hào vì Việt Nam chúng ta là một trong những quốc gia có thể trồng ra những giống sầu riêng ngon nhất. Với sự dồi dào về sản lượng và vùng trồng, sầu riêng được bày bán ở hầu hết các chợ, siêu thị và dọc ven đường khi vào mùa thu hoạch. Có lẽ vì thế, sầu riêng trở thành một loại nguyên liệu được lựa chọn để ứng dụng vào rất nhiều loại đồ ăn, thức uống ở Việt Nam như xôi sầu riêng, bánh crepe sầu riêng, chè sầu riêng, trà sữa sầu riêng….. và tất nhiên là cả bánh dẻo sầu riêng.
Để làm đa dạng thêm mùi vị nhân bánh dẻo, các tiệm bánh đã mạnh dạn phối trộn sầu riêng với nhân đậu xanh. Tùy vào khẩu vị thực khách, tiệm có thể tăng giảm lượng sầu riêng tươi, hoặc làm cả dạng nhân chảy từ sầu riêng để có thêm sự trải nghiệm cho khách hàng. Bánh dẻo sầu riêng sẽ hơi kén khách vì có những người không thể ăn được sầu riêng. Nhưng với những fan cuồng của loại quả này, thì bánh dẻo nhân sầu riêng chắc chắn là một món bánh không thể bỏ qua vào mỗi dịp trung thu.
2.6 Bánh dẻo nhân matcha
Mặc dù mang tên trà, nhưng Matcha không chỉ gói gọn trong ứng dụng của trà. Với những lợi ích sức khỏe mà Matcha mang đến như: chống lão hóa, làm chậm quá trình oxy hóa, ngăn ngừa ung thư…. Matcha đã trở thành một nguyên liệu quốc dân khi được ứng dụng vào hầu hết các loại thực phẩm bánh kẹo, kem, thực phẩm tốt cho sức khỏe… và bánh dẻo nhân matcha cũng được xem là một trong những đại diện nổi bật trong nhóm bánh dẻo hướng đến sức khỏe người dùng.
Thêm một điểm cộng cho chiếc bánh này chính là màu sắc tương phản giữa vỏ bánh và nhân bánh trắng - xanh rất bắt mắt - tươi mát - thanh nhã. Và nếu bạn vẫn đang thắc mắc liệu rằng nhân bánh dẻo có còn vị hơi chát của matcha không, thì tại sao bạn không thử chọn cho mình một chiếc bánh dẻo nhân matcha trong mùa trăng này để trải nghiệm và cảm nhận nhỉ?
Bánh dẻo nhân matcha (nguồn: tổng hợp)
2.7 Bánh dẻo nhân mè đen
Một trong những công dụng nổi bật nhất của mè đen từ xưa đến nay chính là giúp làm đen tóc, đẹp da. Ngoài ra, mè đen còn giúp hỗ trợ điều trị các bệnh về huyết áp và tim mạch. Ở Việt Nam, mè đen là một loại hạt vô cùng quen thuộc luôn có mặt trong mỗi gác bếp và chủ yếu được dùng trong các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe: chè mè đen, sữa mè đen, cháo mè đen…..
Có lẽ khi quyết định thử nghiệm món bánh dẻo nhân mè đen, người thợ bánh cũng xuất phát từ mong muốn món bánh này sẽ hướng đến sức khỏe của thực khách, nên dù không quá cầu kỳ về màu sắc và tạo hình, bánh dẻo mè đen vẫn rất được đón nhận qua nhiều năm. Và dù là món bánh mang hơi hướng healthy, nhưng rất nhiều thương hiệu đã nghiên cứu và cho ra đời những chiếc bánh rất vừa miệng, giúp cho bánh dẻo mè đen luôn nằm trong top những loại bánh được chọn lựa nhiều nhất qua mỗi mùa trăng.
Bánh dẻo nhân mè đen
Trên đây là tổng hợp của trainghiemlambanh.com về một số loại bánh dẻo trung thu được ưa thích. Hi vọng bạn sẽ tìm thấy nhiều điểm tương đồng với trainghiemlambanh.com nhé. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.
Xem thêm