BÁNH GỪNG TẠO HÌNH NGÔI NHÀ CHO MÙA NOEL

  • 20/12/2022
  • 179

Những ngày này ra đường, bạn có cảm nhận được không khí lạnh rất Noel của Sài Gòn không? Một mùa Giáng sinh nữa lại về, không chỉ mang theo hơi lạnh, mà còn mang theo cả những mùi vị Giáng sinh rất đặc trưng. Một trong những mùi vị mang dấu ấn đậm nét nhất chính là bánh quy gừng.Nếu bạn đã quá quen thuộc với những chiếc bánh quy gừng trang trí mà trainghiemlambanh.com đã giới thiệu đến bạn, thì hôm nay bạn hãy thử trải nghiệm một loại bánh quy gừng với tạo hình mới mẻ cùng trainghiemlambanh.com

 BÁNH GỪNG HÌNH NGÔI NHÀ

  1. NGUỒN GỐC CỦA CHIẾC BÁNH GỪNG

  2. CÁCH LÀM BÁNH GỪNG

     2.1 Nguyên liệu

   2.1.1 Phần bánh

   2.1.2 Phần Icing

     2.2 Cách thực hiện

   2.2.1 Phần bánh

   2.2.2 Phần Icing

   2.2.3 Trang trí ngôi nhà bánh gừng

1. NGUỒN GỐC CỦA CHIẾC BÁNH GỪNG

Theo một số chia sẻ, bánh gừng nguyên mẫu ban đầu được làm từ các nguyên liệu sẵn có như: vụn bánh mì, bột gừng và mật ong, và được đặt tên là gingerbread - bánh mì gừng. Bánh mì gừng lần đầu tiên xuất hiện ở châu Âu, cụ thể là nước Pháp vào năm 992 bởi tu sĩ người Armenia Gregory Makar.

Bánh mì gừng

Bánh mì gừng ( nguồn: Wikipedia)

Bánh mì gừng sau đó được dân nhập cư Đức đưa vào Thụy Điển vào thế kỉ XV. Theo thời gian, những thợ bánh bắt đầu thay thế vụn bánh mì thành bột mì, thay thế mật ong thành bơ, trứng và đường để cho ra một loại bánh mới với kết cấu giòn tan, thơm lừng mùi gừng hòa quyện với bơ - đó chính là món bánh quy gừng phổ biến hiện nay. Không chỉ dừng lại ở việc thay đổi công thức và kết cấu của bánh, xuất phát từ sở thích trang trí, các thợ làm bánh còn biến những chiếc bánh quy đơn điệu trở nên sinh động hơn với những hình vẽ tinh tế.

Những chiếc bánh tinh xảo này, ban đầu được làm chỉ để phục vụ cho các tu viện. Dần dà, bánh quy gừng trở thành một món bánh được ưa chuộng bởi nhiều thực khách vào mùa Giáng sinh. Vào thế kỉ XVII, bánh quy gừng với nhiều hình vẽ Giáng Sinh bắt đầu được bày bán ở các tu viện, nhà thuốc và một số khu chợ. Không chỉ mang ý nghĩa tinh thần, người dân còn tin rằng bánh quy gừng có thể chữa được chứng khó tiêu nhờ những công dụng từ gừng.

Bánh gừng trang trí thời Anh

Các bánh gừng được trang trí

Khác với các quốc gia Châu Âu khác, bánh gừng ở Anh lại có một nét đặc trưng riêng. Những chiếc bánh quy gừng ở Anh thường có tạo hình người tuyết, bên trên được trang trí bằng đường icing nhiều màu. Thị trấn Market Drayton ở Shropshire được cho là cái nôi của loại bánh gingerbread ở Anh. Người dân nơi đây xem chiếc bánh như niềm tự hào về văn hóa ẩm thực, và dùng hình ảnh chiếc bánh làm thành biển chào đón khách du lịch đến tham quan thị trấn của họ.

Thị trấn Market Dayton với đặc sản là bánh gừng hình người

Thị trấn Market Dayton với đặc sản là chiếc bánh Gừng người

Bánh gừng hình người

Bánh gừng hình người

Cùng với nhu cầu ẩm thực và thẩm mỹ ngày càng tăng, những chiếc bánh quy gừng không chỉ dừng lại ở hình dạng tạo hình ban đầu. Những thợ làm bánh đã nghĩ ra rất nhiều biến tấu để chiếc bánh trở nên sinh động hơn. 

Và một trong những tạo hình mang lại nhiều cảm xúc cho thực khách nhất chính là Bánh nhà gừng. Không chỉ là một món ăn, đằng sau chiếc bánh nhà gừng là 1 câu chuyện về mùa Giáng Sinh - là mong muốn không khí ấm áp, sum vầy và hạnh phúc giữa những ngày đông lạnh.

Ngôi nhà bánh gừng

Ngôi nhà bánh gừng

Bánh nhà gừng Noel ngày nay rất phổ biến không chỉ ở Châu Âu mà các quốc gia Châu Á cũng rất ưa chuộng loại bánh này. Bánh thường được dùng để làm quà Giáng Sinh, không chỉ vì tạo hình đẹp mà vì chiếc bánh còn mang giá trị tinh thần, đại diện cho lời chúc một mùa Giáng sinh ấm áp, an lành và thân thuộc của sự đoàn tụ gia đình.

Giờ thì chúng ta bắt tay vào làm bánh thôi!

2. CÁCH LÀM BÁNH GỪNG

2.1 Nguyên liệu

   2.1.1 Phần bánh

  • Bơ 50gr
  • Đường 36gr
  • Trứng 32gr ( 1 quả)
  • Bột mì số 13 120gr
  • Muối 1gr
  • Bột gừng 3gr
  • Khuôn bánh hình ngôi nhà 

                                                                                        

Khuôn bánh hình ngôi nhà

Khuôn bánh ngôi nhà    

2.1.2 Phần icing

  • Đường xay 190gr
  • Lòng trắng 1 cái
  • Nước cốt chanh 5gr

2.2 Cách thực hiện

   2.2.1 Phần bánh

- Bơ để ở nhiệt độ phòng, dùng máy đánh trứng để ở mức thấp nhất đánh tan bơ.

Bơ sau khi được đánh

Bơ sau khi đánh tan

- Tiếp tục, rây đường xay hoặc đường cát vào bơ vừa được đánh.

- Dùng cây spatula để trộn hỗn hợp bơ đường cho hòa vào nhau. Dùng máy đánh trứng tiếp tục đánh cho đến khi 2 hỗn hợp hòa quyện vào.

Bơ và đường đánh xong sẽ có trạng thái này

Trạng thái bơ khi đánh với đường

- Cho trứng vào hỗn hợp, bật máy đánh trứng ở tốc độ vừa phải rồi đánh cho đến khi hỗn hợp hòa với nhau hoàn toàn. Đánh cho đến khi hỗn hợp trở nên mịn, sệt và có màu sáng thì đạt. Nếu chưa đủ độ sệt, mọi người cứ tiếp tục đánh cho đến khi đạt độ sệt chuẩn.

- Cho bột gừng, bột mì 13 đã chuẩn bị vào hỗn hợp trứng – bơ - đường, dùng cây spatula trộn đều các bột khô vào hỗn hợp bơ trứng.

Bột sau khi được trộn cùng với hỗn hợp bơ đường trứng

Bột sau khi được trộn cùng với hỗn hợp bơ đường trứng

- Dùng màng bọc thực phẩm bọc hỗn hợp cookie lại, cho vào tủ mát để bột nghỉ trong 10 phút trước khi bắt đầu tạo hình.

- Bột sau khi được nghỉ, mang ra ngoài cán dẹp, độ dày của miếng bột là khoảng 7mm cho đến 1cm, không quá dày cũng không quá mỏng.

Cán bột

- Dùng khuôn tạo hình ngôi nhà có hình ngôi nhà ấn mỗi khuôn 2 phần.

Ấn khuôn lên miếng bột

Bột sau khi được ấn khuôn và lấy ra để lên khay nướng

Nướng bánh

Bánh cho vào khay đã lót giấy nướng, nướng ở 150 – 170 độ trong vòng khoảng 10 phút, tùy lò.

Bánh sau khi nướng

2.2.2 Phần Icing

- Cho lòng trắng trứng và nước cốt chanh vào tô, tiếp theo cho đường xay vào.

- Dùng máy đánh trứng khuấy nhẹ để đường bột và lòng trắng trứng dính vào nhau. Tiếp đó, bật máy ở tốc độ vừa phải, đánh hỗn hợp. Nhớ canh cho đến khi hỗn hợp hơi sệt lại, không quá đặc là đạt. Đánh quá lâu, sẽ làm cho icing cứng, mất đi sự kết dính và cũng khó tạo hình.

Kem Icing đạt trạng thái sệt như hình là đạt

Kem Icing đạt trạng thái sệt như hình là đạt

- Chia hỗn hợp icing ra làm 3 phần để pha màu: màu đỏ, màu xanh lá, màu trắng.

+ Màu đỏ: tạo màu bằng cách cho bột mâm xôi vào, cho khoảng 3 gr nhưng do là bột trái cây tự nhiên nên không thể lên được màu đỏ rực đặc trưng của Noel nên tụi mình quyết định cho thêm 1 giọt màu thực phẩm.

+ Màu xanh: dùng bột matcha sẽ ra màu xanh lá, nhưng không đủ độ đậm như màu đặc trưng của Noel, nếu mọi người thích đậm hơn 1 xíu hãy pha 1 giọt màu thực phẩm nha.

+ Màu trắng: cứ để màu trắng nguyên bản của icing.

Các màu sắc dùng để trang trí bánh

Thành phẩm sau khi pha màu

2.2.3 Trang trí ngôi nhà bánh gừng

Các bạn tham khảo cách làm trong hình ảnh mình để ngay bên dưới nhé! ~~

Cách bước trang trí ngôi nhà

Thành phẩm của chúng mình sau khi hì hục trang trí nè!

Thành quả bánh hình ngôi nhà

Chúc mọi người thực hiện món bánh thành công và có được những chiếc bánh xinh đẹp nhá, ăn cũng phải ngon nữa nhá !!!

Bình luận