Thanh gạo lức chà bông
Gạo lức ngày càng trở nên phổ biến bởi những giá trị dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe mà gạo lức mang lại. Gạo lức không chỉ được xem là cứu cánh của các bệnh nhân, gạo lức lại còn được lòng của tín đồ ăn kiêng. Không chỉ vậy, gạo lức gần đây còn được lòng của giới trẻ sau khi món ăn vặt " thanh gạo lức chà bông " được giới thiệu rầm rồ và được hội chị em làm theo nhiều phiên bản thú vị. Hôm nay chúng ta hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn món “Thanh gạo lức chà bông” này nhé.
1. GẠO LỨT CÓ TỐT KHÔNG?
1.1 Gạo lức là gì?
Từ xa xưa, gạo lức đã được xem là một trong những món ăn truyền thống và được nhiều thế hệ ưa chuộng, với cấu tạo gồm 3 thành phần chính: lớp cám bên ngoài hạt gạo, phôi hạt gạo và lớp tinh bột bên trong.
Trải qua quá trình xay xác lúa gạo tỉ mỉ và bài bản, lớp vỏ trấu bên ngoài hạt gạo bị bóc tách ra nhưng vẫn giữ nguyên lớp vỏ cám có màu đỏ. Điểm khác biệt của gạo lức (so với gạo trắng) chính là phần cám gạo có trong lớp vỏ cám màu đỏ này - thành phần duy nhất mà gạo trắng không có. Và thú vị hơn nữa là tuy phần cám gạo này chỉ chiếm có 10% thành phần hạt nhưng lại chứa tới 65% thành phần vitamin, chất xơ và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể như magie, mangan, photpho, glucid, gluten…
1.2 Phân loại gạo lức
Có rất nhiều loại gạo lức trên thị trường hiện nay, đầy đủ từ màu sắc cho đến giống gạo. Theo các thông tin mình tìm hiểu, gạo lức được chia thành 4 loại.
1.2.1 Gạo lức tẻ
Là loại gạo làm từ hạt thóc tẻ như loại gạo trắng của chúng ta, chỉ khác ở điểm gạo lức tẻ sẽ còn giữ nguyên lớp vỏ cám bên ngoài.
1.2.2 Gạo lức nếp
Là hạt nếp sau khi xay xác để loại bỏ lớp vỏ trấu. Gạo lức nếp khi ăn sẽ dẻo và thơm hơn so với gạo lức tẻ. Người ta thường sử dụng các giống nếp ngon khác nhau như nếp hương, nếp cái hoa vàng, nếp than để làm thành gạo lức nếp.
1.2.3 Gạo lức đỏ
Gạo lức đỏ có nguồn gốc từ giống gạo có màu đỏ đặc trưng bên ngoài nhưng lõi vẫn là màu trắng. Các loại giống gạo để làm gạo lức đỏ bao gồm gạo lức đỏ ST1, gạo lức đỏ Điện Biên, gạo lức huyết rồng.
1.2.4 Gạo lức đen
Giống gạo này chưa phổ biến trên thị trường, vì vậy giá thành của gạo lức đen hơi nhỉnh hơn so với các loại khác. Giống gạo để làm ra gạo lức đen khá nhạy cảm với các loại phân bón hóa học nên gạo lức đen là thực phẩm được trồng theo phương pháp hữu cơ, đảm bảo cho sức khỏe người dùng. Do ngoại hình khá giống nhau, gạo lức đen rất dễ bị nhầm lẫn với nếp cẩm.
1.3 Công dụng của gạo lức đối với sức khỏe
Giá trị dinh dưỡng có trong gạo lức:
- Calo: 82
- Chất đạm: 1,83 g
- Chất béo: 0,65 g
- Carbohydrate: 17,05 g
- Chất xơ: 1,1 g
- Đường: 0,16 g
- Canxi: 2 mg
- Sắt: 0,37 mg
- Natri: 3 mg
- Axit béo (tổng bão hòa): 0,17 g
- Cholesterol: 0 mg
Phần lớn các chất dinh dưỡng liệt kê trên đây tập trong trong lớp vỏ cám bên ngoài của gạo lức. Chính lớp cám gạo này làm cho gạo lức hơi khô và cứng hơn so với gạo trắng, gây cảm giác nham nhám ở cổ họng khi ăn. Vì vậy, khi ăn gạo lức, chúng ta cần phải nhai cho thật kĩ rồi mới nuốt, không chỉ tốt cho dạ dày mà còn hỗ trợ điều hòa nhu động ruột, đưa các cặn bã ra ngoài cơ thể dễ dàng hơn.
Ngoài ra, trong vỏ lụa của gạo lức có chứa hàm lượng chất xơ cao nên việc tiêu hóa gạo lức sẽ chậm hơn so với gạo trắng, giúp kéo dài cảm giác no lâu. Đó cũng là lý do mà gạo lức chính là chân ái của người ăn kiêng.
Các khoáng chất như là đồng, sắt, kẽm, mangan, magie, phốt pho, selen trong lớp vỏ cám cũng giúp đáp ứng được phần nào nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày của con người.
Sắc tố anthocyanin tạo nên màu đỏ trong các loại gạo lức đỏ, đen, … chính là những flavonoit. Đây được coi là một trong những chất chống oxy hóa tuyệt vời, với hoạt tính kháng sinh, kháng viêm, hỗ trợ loại bỏ các gốc tự do tạo nên các tế bào ung thư.
Magie là một trong những thành phần chính có trong gạo lức, có vai trò quan trọng trong việc giúp xương chắc khỏe. Ngoài ra, nó còn là một chất hỗ trợ quá trình hoạt hóa vitamin D giúp cơ thể hấp thụ nhiều lượng canxi hơn, ngăn ngừa các tình trạng rạn xương, mật độ xương thấp, viêm khớp, loãng xương hoặc khử khoáng xương.
Những người bị tiểu đường được khuyên là ăn gạo lức bởi vì gạo có hàm lượng chất xơ cao hơn và chỉ số glycemic thấp, có lợi trong việc kiểm soát glucose trong máu. Ăn gạo lức giúp cho chỉ số đường huyết luôn được điều hòa ở mức ổn định, tránh được các biến chứng do tiểu đường gây ra.
Mọi người có thể tham khảo thêm trên các trang mạng nha để tìm hiểu thêm nhiều công dụng khác của gạo lức nhé.
2. CÁCH LÀM THANH GẠO LỨC
2.1 Nguyên liệu
Mật ong 50g
Gạo lức 150g
Bí xanh 15g
Hạt điều 15g
Chà bông: lượng đủ dùng
Bột trứng muối Vital Plus: lượng đủ dùng
Bột rong biển Vital Plus: lượng đủ dùng
2.2 Cách thực hiện
2.2.1 Chuẩn bị hỗn hợp gạo lức
Trộn hạt điều, hạt bí đã lột vỏ vào tô lớn cùng với gạo lức sấy khô. Dùng spatula trộn thật đều các hỗn hợp lại với nhau, mọi người thể tăng giảm lượng tùy theo sở thích.
Cho mật ong vào chảo chống dính, nấu đến khi mật ong sôi trong khoảng 1 phút. Sau đó tắt bếp, để mật ong nguội.
Một lưu ý quan trọng: nên khuấy liên tục và đều tay để tránh mật ong bị khét.
Cho mật ong vào trộn chung với hỗn hợp gạo lức và các loại hạt. Đeo bao tay nilon, trộn thật đều rồi bóp thật chặt để cho hỗn hợp có thể kết dính được với nhau.
2.2.2 Tạo hình
Dùng khuôn hình vuông hoặc hình chữ nhật để định hình.
Đầu tiên, trải một lớp giấy nến vào trong khuôn, giúp bánh dễ lấy ra hơn.
Cho hỗn hợp gạo lức vào trong khuôn, dàn đều. Dùng tay nhấn mạnh và đều sao cho hỗn hợp kết dính lại với nhau thành một khối đồng nhất. Để đảm bảo độ kết dính hơn nữa, chúng ta có thể dùng cây cán bột giã đều trên bề mặt thanh gạo lức, giúp chi thanh gạo lức chắc chắn hơn, vuông vức hơn và thành phẩm ra lò mới được đẹp nhất.
2.2.3 Nướng bánh
Lần 1: Cho bánh vào lò, nướng ở 140 độ C trong 30 phút.
Lấy bánh ra khỏi lò, rắc một ít chà bông lên mặt bánh. Dùng cây cán một lần nữa ép cho thật chắc tay để chà bông bám vào phần gạo lức bên dưới. Mình chia bánh ra làm 2 phần, một bên mình rắc bột rong biển, bên còn lại mình rắc bột trứng muối.
Lần 2: Nướng lần 2 ở 110 độ trong 5 – 10 phút. Sau đó lấy bánh ra khỏi lò, để bánh hơi nguội rồi dùng dao thật bén để cắt bánh được dễ dàng hơn, cắt thành những thanh dài vừa phải.
Thanh gạo lứt chà bông
Như vậy là chúng ta đã hoàn thành món “Thanh gạo lức chà bông” phiên bản nhà làm: Ngon - bổ - rẻ.
Thanh gạo lức chà bông là 1 món ăn tốt cho sức khỏe, đặc biệt phù hợp nhâm nhi trong những ngày tết. Trainghiemlambanh.com hi vọng bài chia sẻ sẽ hữu ích cho cả nhà, và chúc cả nhà sẽ làm thành công món ăn này để đãi gia đình dịp tết này nhé.
Cả nhà có thể coi thêm trên link youtube cách làm món này nếu có chỗ nào chưa rõ ràng nhé. Cảm ơn cả nhà đã đọc đến đây!
Xem thêm