Thích thú với phong tục đón Tết cổ truyền đặc trưng vùng miền Việt Nam

  • 16/01/2024
  • 75

Đường về nhà là vào tim ta dẫu nắng mưa gần xa
Thất bát vang danh nhà vẫn luôn chờ ta”

  Lời bài hát “ Đi về nhà” – Đen Vâu & Justatee

Tết đến xuân về là thời điểm thiêng liêng khi chúng ta có cơ hội đoàn tụ với gia đình sau nhiều tháng ngày vất vả ngược xuôi. Nước Việt Nam ta có 3 miền: Bắc – Trung - Nam. Tuy đều là anh em một nhà, nhưng mỗi vùng, miền lại có những tập quán đón Tết cổ truyền mang nét đặc trưng riêng.

Để biết được sự khác biệt giữa những phong tục, văn hóa đặc trưng của từng vùng miền diễn ra như thế nào, mời bạn cùng trainghiemlambanh.com tìm hiểu những thông tin thú vị trong bài viết này nhé!

1) Ý nghĩa của Tết trong lòng mỗi người con đất Việt

          2) Nét đặc trưng của phong tục đón Tết ở miền Bắc

          2.1 Chơi hoa đào, quất

          2.2 Tiễn ông Táo về trời

          2.3 Cây nêu ngày Tết

          2.4 Những điều cấm kị vào ngày Tết ở miền Bắc

3) Nét đặc trưng của phong tục đón Tết ở miền Trung

3.1 Chưng hoa mai ngày Tết

3.2 Bày mâm ngũ quả

3.3 Những điều cấm kị vào ngày Tết ở miền Trung

4) Nét đặc trưng của phong tục đón Tết ở miền Nam

4.1 Chưng hoa mai ngày Tết

4.2 Bày mâm ngủ quả

4.3 Trò chơi dân gian

4.4  Những điều cấm kị vào ngày Tết ở miền Nam

 

 

1) Ý nghĩa của Tết trong lòng mỗi người con đất Việt

Dù đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Tết cổ truyền cùng những phong tục đặc trưng của người Việt Nam ta qua nhiều thế hệ vẫn được lưu giữ và duy trì một cách trọn vẹn và đặc trưng cho đến ngày nay.  

Bất kể bạn được sinh ra ở miền Bắc, miền Trung hay Nam trên dải đất hình chữ S, chắc hẳn bạn đều khắc ghi sâu trong ký ức tuổi thơ những nét văn hóa rất đặc trưng của vùng miền quê hương mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Đó có thể là những cảm xúc nôn nao mong chờ đến ngày được về quê đoàn tụ cùng gia đình của mỗi người con xa xứ; là cảm giác hạnh phúc, ấm áp khi được tận hưởng không khí quây quần gói và nấu bánh chưng cùng gia đình, chòm xóm; là những khoảnh khắc bận rộn lau dọn nhà cửa với người thân, vừa dọn dẹp lại vừa tíu tít kể cho nhau nghe những gì năm qua mình đã làm được..

Đó cũng có thể là hình ảnh cả nhà cùng nhau chờ đón giao thừa và xem bắn pháo hoa; là cảnh mẹ và chị tất bật nấu nướng để dâng mâm cúng lên bàn thờ ông bà tổ tiên; cảnh ba và anh/em trai ra chợ tết chọn chọn lựa lựa để mang về nhà những chậu đào – mai ưng ý nhất; cảnh ông bà ngồi vuốt lá dong xem đám con cháu túm tụm lại gói bánh; cảnh thằng em mặt mày lấm lem nhọ nồi dán mắt vào lò bánh chưng…

Và dù là hình ảnh hay cảm xúc gì đi chăng nữa, thì mỗi một mảnh ghép đã giúp tạo nên một nét văn hóa thật đẹp, thật thiêng liêng mang tên Tết cổ truyền của Người Việt, giúp hình thành nên giá trị gia đình, cội nguồn thật rõ ràng, sâu sắc trong lòng mỗi người chúng ta.

Nét đặc trưng phong tục đón Tết của người dân Việt Nam

Nét đặc trưng phong tục đón Tết của người dân Việt Nam

2) Nét đặc trưng của phong tục đón Tết ở miền Bắc:

2.1 Chơi hoa đào, quất:

Chợ hoa đào là nét đặc trưng của mùa Tết ở khu vực Bắc bộ. Trong khí trời se lạnh, các vườn hoa đào đua nhau khoe sắc trong những nhà vườn ở khu vực vùng ven Hà Nội mà nổi tiếng và lâu đời nhất chính là đào Nhật Tân. Gọi là “đào Nhật Tân”, bởi lẽ đây ngôi làng chuyên trồng các loại hoa, nổi bật trong số đó chính là hoa đào ở miền Bắc Bộ mang tên Nhật Tân.

Khi đến với làng Nhật Tân, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi chính vẻ đẹp của những cành hoa đào nơi đây. Đào Nhật Tân đa dạng, phong phú với các chủng loại từ đào thế bonsai đến đào cây to phục vụ cơ quan, công sở, từ những chậu đào nhỏ cho gia đình đến đào gốc, đào tự nhiên, đào vọt (đào uốn cong các kiểu, các dạng).. Những cây đào được trồng ở Nhật Tân thường có bông to, sắc thắm, nhiều cánh dày và đặc biệt rất nhiều nụ lộc. Đặc biệt là giống đào bích được nhiều nhà vườn trồng do dễ tiêu thụ trên thị trường.

Đào Nhật Tân

Đào Nhật Tân

Nếu đã nhắc đến đào, chắc chắn không thể không nhắc đến cây quất; đây cũng được xem là biểu tượng vào ngày Tết đối với người dân phía Bắc, vì sự xum xuê, trĩu quả của cây quất, chính là sự tài lộc, vượng khí đối với người dân nơi đây.

Vùng trồng quất nổi tiếng nhất khu vực Bắc Bộ là huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên. Văn Giang được xem là vựa cây cảnh lớn nhất ở miền Bắc với 1.200Ha hoa, cây cảnh, cây ăn quả các loại, phục vụ thị trường Tết. Gần ngày Tết Nguyên đán, xe tải từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Bình Định… nườm nượp đổ về nơi đây để mua quất cảnh - giống cây chủ lực của vùng này.

Vận chuyển quất ở Văn Giang

Vận chuyển quất ở Văn Giang

Trang trí hoa đào ngày Tết 

Trang trí hoa đào ngày Tết 

Trang trí cây quất ngày Tết

Trang trí cây quất ngày Tết

2.2 Tiễn ông Táo về trời:

Ngày 23 tháng chạp hằng năm (âm lịch) người dân miền Bắc sẽ làm mâm cơm để tiễn ông Công, ông Táo chầu trời.  Mâm cúng ông Công, ông Táo thường có đồ vàng mã, hoa quả và cỗ mặn. Đặc biệt, người dân sẽ mua cá chép sống và phóng sinh để giúp ông Công, ông Táo vượt vũ môn, lên thiên đình.

Ông Công, ông Táo được xem là những vị thần cai quản nhà cửa, ngăn chặn ma quỷ quấy quá. Vì vậy, ngày cúng ông Công, ông Táo còn mang ý nghĩa là báo cáo những việc đã xảy ra trong năm cũ trong ngôi nhà mà căn bếp chính là nơi chứng kiến tất cả mọi điều, đồng thời gởi gắm niềm mong mỏi của người dân vào một năm mới bình an, ấm no, gia đình yên vui, hạnh phúc.

Tiễn ông Táo về trời

Tiễn ông Táo về trời 

2.3 Cây nêu ngày Tết:

Cây nêu ngày Tết là một biểu tượng không thể thiếu đối với người miền Bắc nói chung và các đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Cây nêu được dựng vào ngày 23 tháng chạp- tức ngày ông Táo về trời. Người dân quan niệm, ngày này là ngày các vị thần linh đã chầu trời, là thời điểm ma quỷ lộng hành, cây nêu được dựng lên nhằm để đuổi ma quỷ.

Theo wikipedia, trong những ngày tết cổ truyền, trên cây nêu có nơi còn treo một đèn lồng nhằm chỉ đường cho tổ tiên biết đường về ăn Tết với con cháu. Trong đêm trừ tịch cũng như ngày mồng một Tết ngày xưa, người dân còn treo bánh pháo trên cây nêu đốt đón mừng năm mới, mừng tổ tiên về với con cháu, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều bất hạnh của năm cũ, cầu mong một năm mới tốt lành.

Người Mường dựng cây nêu vào ngày 28 tháng Chạp âm lịch và treo thêm lên đó các vật dụng như cái cày, cái bừa,… được đan bằng tre, nứa. Người Hmông vùng Tây Bắc Việt Nam dựng cây nếu trong lễ hội Gầu tào (cầu phúc hoặc cầu mệnh) tổ chức từ ngày 3 đến ngày 5 tháng giêng âm lịch.

Cây nêu ngày Tết

Cây nêu ngày Tết 

2.4 Những điều cấm kị vào ngày Tết ở miền Bắc:

Người miền Bắc rất kỷ luật và coi trọng những phong tục tập quán từ xa xưa. Những điều mà người Bắc kiêng cử vào ngày Tết đó chính là: kiêng quét nhà, tránh làm vỡ bát đĩa,…

Những điều cấm kị vào ngày Tết ở miền Bắc 

Những điều cấm kị vào ngày Tết ở miền Bắc 

3) Nét đặc trưng của phong tục đón Tết ở miền Trung:

Với vị trí địa lí nằm giữa 2 miền Bắc - Nam, miền Trung là vùng đất giao thoa của những phong tục tập quán, văn hoá của miền Bắc và Nam. Nhưng dù vậy, miền Trung vẫn có những nét đặc trưng rất riêng mang đậm phong cách vùng miền.

3.1 Chưng hoa mai ngày Tết

Nếu như ở miền Bắc, người dân sẽ chơi hoa đào vào dịp xuân về, thì ở miền Trung, người dân lại nao nức sắm sửa những chậu mai trang trí Tết. Hoa mai ở miền trung nhỏ hơn so với hoa mai miền nam và được trang trí rất đơn giản

Hoa mai ngày tết 

Hoa mai ngày tết 

3.2 Bày mâm ngũ quả:

Và dù là ở miền nào của đất nuớc Việt Nam thì mâm ngủ quả cũng là phong tục không thể thiếu vào dịp Tết.  Miền Trung là vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên phải chịu những chịu sự cực đoan: lũ lụt, hạn hán,… Đó là lí do mà hoa quả, trái cây nơi đây không được đa dạng và dễ trồng như miền Nam. Người dân nơi đây thường sẽ dùng những loại trái cây đơn giản, dễ kiếm đối với vùng miền này: quả lê, thanh long, phật phủ, đào, lựu, táo đỏ, sung,…hay những loại trái cây có màu tươi sáng.

Mâm ngũ quả của miền Trung

Mâm ngũ quả của miền Trung 

3.3 Những điều cấm kị vào ngày Tết ở miền Trung:

Tuy phong tục Tết ở miền Trung khá thoải mái, nhưng vẫn có những điều kiêng kỵ nhất định cần phải biết trong dịp Tết nguyên đán ở miền Trung. Ở một số địa phương miền Trung, quan niệm rằng ăn tôm sẽ bị đi giật lùi như tôm. Vì thế chuyện làm ăn trong năm mới sẽ không thể phát triển tốt, do đó người dân nơi đây kiêng kị không ăn tôm vào những ngày Tết. Người miền Trung còn kiêng trứng vịt lộn, thịt vịt vào ngày Tết, vì họ cho rằng ăn con vật này vào đầu năm mới sẽ gây trở ngại cho công việc và cuộc sống trong suốt cả năm.

Những điều cấm kị vào ngày Tết ở miền Trung

Những điều cấm kị vào ngày Tết ở miền Trung

4) Nét đặc trưng của phong tục đón Tết ở miền Nam:

4.1 Chưng hoa mai ngày Tết:

Vào những ngày trước Tết, nhà nhà đều săn tìm một cây mai ưng ý để chưng trong nhà. Hoa mai được xem như là biểu tượng ngày Tết của người miền Nam. Mai ở Miền Nam được trồng nhiều nhất ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, trong đó phải kể đến: làng hoa Phó Thọ- Bà Bộ (Cần Thơ), Vĩnh Thành (Bến Tre), Cái Cui (Hậu Giang)… nhưng có lẽ, quy mô lớn nhất là làng mai vàng Phước Định (Vĩnh Long) - có tuổi đời trên 60 năm, nay thuộc xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Điểm đặc biệt của làng mai vàng Phước Định là các nhà vườn chỉ trồng mai y: mai nguyên thủy, không ghép. Ngoài ra, ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cũng có một làng hoa mai vừa được thành lập trong những năm gần đây nhưng cũng khá nổi tiếng đó chính là làng hoa mai vàng Bình Lợi, thuộc xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh (TP.HCM), nơi đây cung cấp hoa tết cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trên cả nước. Người nông dân bắt đầu chuyển mai đến hội chợ hoa xuân từ ngày 20 tháng Chạp (Âm lịch)

Chưng hoa mai ngày Tết ở miền Nam

Chưng hoa mai ngày Tết ở miền Nam 

4.2 Bày mâm ngũ quả:

Ở miền Bắc, người dân sẽ không quá chú trọng vào việc chưng mâm ngủ quả, họ chưng bày tất cả loại quả trên mâm kể cả quả ớt có vị cay. Nhưng đối với người miền Nam, mâm ngũ quả là cả một đặc trưng văn hóa vùng miền. Mâm ngũ quả của người dân Nam bộ chỉ có các loại quả: mãng cầu xiêm, xoài, đu đủ, quả sung, quả dừa. Cung ứng với ý nghĩa cầu mong cả năm kiếm đủ để tiêu xài, không bị thiếu thốn.

Bày mâm ngũ quả ở miền Nam

Bày mâm ngũ quả ở miền Nam

4.3 Trò chơi dân gian:

Ở miền Nam, khi Tết đến, bên cạnh việc quây quần cùng nhau nấu bánh thì người dân Nam bộ còn tụ tập để cùng nhau chơi những trò chơi dân gian phổ biến: lô tô, bầu cua cá cọp,… Đây là hai trò chơi dân gian đã có mặt từ thời xưa và được người dân lưu truyền đến ngày nay vào những dịp lễ Tết Âm lịch

Trò chơi dân gian

Trò chơi dân gian (nguồn: internet)

4.4 Những điều cấm kị vào ngày Tết ở miền Nam:

Người miền Nam được cho là có suy nghĩ phóng khoáng và không có quá nhiều điều cấm kỵ vào dịp Tết Âm lịch. Nhưng vẫn sẽ có một số tỉnh phía Nam, có những điều kiêng kị như: không được mất chổi vào ngày Tết, không để cối xay gạo trống vào ngày đầu năm. Và đặc biệt là người miền Nam rất kiêng kị ăn quả chuối vào đầu năm. Họ cho rằng, khi ăn chuối vào dịp đầu năm, cả năm gặp nhiều trở ngại, khó khan làm đâu trật đó giống như trượt vỏ chuối vậy.

Những điều cấm kị vào ngày Tết ở miền Nam

Những điều cấm kị vào ngày Tết ở miền Nam

Tuy có sự khác biệt trong những phong tục tập quán đặc trưng của mỗi vùng miền, nhưng tựu chung lại, người dân ở khắp nơi trên đất nước hình chữ S đều mong cầu một năm mới ấm no, hạnh phúc, sum vầy. Hi vọng bài viết trên đã mang đến những thông tin hữu ích, thú vị về phong tục đón Tết cổ truyền đặc trưng  của Việt Nam nói chung và 3 miền nói riêng để các bạn cùng đọc và thư giãn. Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài và hẹn gặp các bạn trong những bài viết sau!

(Nguồn: Tổng hợp)

Bình luận