Trung Thu ở các quốc gia ( phần 1 ) - Trung Quốc & Nhật Bản

  • 14/09/2023
  • 176

Ngày nay, Tết Trung Thu đã trở thành lễ hội truyền thống không thể thiếu với những bản sắc và phong tục riêng của từng quốc gia. Trainghiemlambanh.com muốn thông qua bài viết dưới đây để cùng bạn đọc tìm hiểu về ngày Tết Trung Thu ở 2 quốc gia là Trung Quốc và Nhật Bản nhé.

 

1) Trung Thu ở Trung Quốc:

 1.1 Truyền thuyết về Trung Thu:

Phong tục đón Tết Trung Thu của người dân Trung Quốc từ xưa đã được gắn liền đến truyền thuyết về chuyện tình của Hằng Nga và Hậu Nghệ. Tương truyền rằng thời cổ đại, khi Trái đất xuất hiện đến 10 mặt trời, khiến nơi nơi phải gánh chịu hạn hán khủng khiếp. Vì thế Ngọc Hoàng ra lệnh cho Hậu Nghệ đi bắn hạ chín mặt trời, cứu sống muôn loài. Và để thưởng công, Người đã ban cho chàng một viên thuốc bất tử. Hậu Nghệ mang nó về nhà đặt trong một chiếc hộp, định sau này sẽ chia sẻ với người vợ xinh đẹp của mình là Hằng Nga. Nhưng vào một ngày nọ, khi người vợ vô tình mở chiếc hộp và nuốt viên thuốc thần thì nàng bất ngờ bay lên tận Mặt Trăng. Lúc Hậu Nghệ về nhà phát hiện mọi chuyện thì đã quá muộn. Từ đó, đôi vợ chồng cách biệt nhau mãi. Hằng Nga chỉ biết làm bạn với một chú thỏ ngọc trên cung trăng.

Hằng Nga- Hậu Nghệ

Một giả thuyết khác về nguồn gốc phong tục đón Tết Trung Thu Trung Quốc lại liên quan đến Dương Quý Phi thời nhà Đường - một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa. Nhân gian truyền rằng sau khi vua Đường Huyền Tông bị buộc phải ban cho vị phi tử của mình dải lụa trắng để nàng tự kết liễu nhằm làm yên lòng quân thì vua đau lòng khôn xiết. Các tiên nữ thấy vậy động lòng thương xót nên cho phép vua được lên trời gặp lại Dương Quý Phi vào đêm trăng sáng nhất của mùa thu, tức là ngày Rằm tháng Tám Âm lịch hằng năm. Từ đó, vua đặt tên ngày đó là Tết Trung Thu để nhớ đến vị ái phi của mình.

 1.2 Các hoạt động

Trung Thu được xem là một trong những ngày Tết truyền thống quan trọng bậc nhất đối với người dân Trung Quốc, chỉ xếp sau Tết Nguyên Đán. Trong đêm Rằm tháng Tám, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau, cùng ăn bữa cơm đoàn viên rồi cùng nhau ngắm trăng, rước đèn, xem múa lân và thưởng thức bánh Trung Thu. Ngoài ra, đêm Trung Thu còn có những hoạt động khá thú vị đã xuất hiện từ xa xưa như: tế trăng, thả đèn hoa đăng, thưởng rượu và giải câu đố.

  • Tết đoàn viên:

Trong phong tục truyền thống của người Hoa thì ngày Tết Trung Thu còn gọi là tết đoàn viên. Bởi vì đây là dịp lễ hiếm hoi trong năm mà mọi thành viên trong gia đình trở về, tụ họp với nhau. Dù đang ở đâu thì họ cũng sắp xếp về quê để gặp gia đình, họ hàng và quan trọng là cùng ăn bữa cơm đoàn viên.

Sau đó, các thành viên trong gia đình sẽ ngồi lại cùng nhau để thưởng nguyệt (ngắm trăng) và cùng ăn những chiếc bánh Trung Thu xinh xắn dưới ánh đèn lồng lung linh, bên trên là vầng trăng tròn vành vạnh. Một hoạt động khác không thể thiếu được trong khoảnh khắc đoàn viên vào dịp Trung Thu của người Hoa đó chính là rước đèn lồng và múa rồng lửa. Người dân Trung Quốc tin rằng rồng lửa là linh vật mang lại nhiều may mắn và an lành tới mọi gia đình. Họ còn thích treo đèn lồng trước cửa nhà và trên phố trong dịp lễ long trọng này.

  • Ngắm trăng:

Từ thời cổ đại, người Trung Quốc đã có phong tục ngắm trăng vào đêm Trung Thu. Các ghi chép lịch sử vào đời Chu đã đề cập rất nhiều vào buổi lễ tế thần mặt trăng vào đêm trăng tròn và sáng nhất năm để chào đón mùa đông. Người ta bày rất nhiều thứ bánh Trung Thu, dưa hấu, táo và nho trên bàn lễ. Đến thời Đường - Tống, việc thưởng nguyệt trong đêm đoàn viên càng trở nên thịnh hành nên người ta còn gọi Trung Thu là Tết ngắm trăng. Ngày nay, vào dịp Tết Trung Thu, hầu hết người dân Trung Hoa sẽ cùng nhau ra đường để chiêm ngưỡng vẻ đẹp đặc biệt của đêm trăng rằm. Họ xem lúc mặt trăng lên cao và tròn nhất là khoảnh khắc vô cùng thiêng liêng, biểu hiện sự tròn đầy, viên mãn và đẹp nhất của đất trời.

Ngắm trăng

  • Phá cỗ đêm trăng:

Một trong những hoạt động phong tục đón Tết Trung Thu ở Trung Quốc còn được truyền đến ngày nay là phá cỗ đêm trăng. Ban đầu, những chiếc bánh Trung Thu trong mâm cỗ được xem là vật cúng tế thần mặt trăng, mãi đến sau này người ta mới ăn bánh ngay trong đêm Trung Thu cùng gia đình.

  • Tế trăng

Tế trăng cũng là phong tục đón Tết Trung Thu tại Trung Quốc có từ thời cổ đại. Hoạt động này bắt nguồn từ câu chuyện diễn ra ở nước Tề. Tương truyền có một cô gái mang dung mạo xấu xí nhưng tài đức xuất chúng từ nhỏ và đặc biệt là cô rất thành kính cầu khấn thần mặt trăng. Khi trưởng thành, cô được tuyển vào cung nhưng không được sự sủng ái của nhà vua vì dung mạo của mình. Vào một đêm Rằm tháng Tám, nhà vua gặp cô khi đi dạo dưới ánh trăng, vua đã cảm nhận được vẻ đẹp và tài đức của cô bèn phong làm Hoàng hậu. Từ đó, các thiếu nữ bắt đầu cúng trăng vào ngày Tết Trung Thu để cầu mong mình có được vẻ đẹp thanh cao thuần khiết như người con gái nước Tề xưa kia.

Tế trăng

  2) Trung Thu ở Nhật Bản:

2.1 Truyền thuyết về Trung Thu:

Nếu như người Việt Nam tưởng tượng trên cung trăng có cây đa và chú Cuội, thì người Nhật Bản tin rằng có một chú thỏ đang sinh sống trên vương quốc của thần Mặt trăng. Ngoài ra, liên tưởng về một chú thỏ đang ngồi ăn bánh dango cũng xuất hiện nhiều địa phương trên nước Nhật.

 2.2 Các hoạt động:

Otsukimi là lễ hội truyền thống được du nhập vào Nhật từ 1.000 năm trước. Đối với người dân đất nước mặt trời mọc, đây là lễ hội nhằm tôn vinh mặt trăng trong mùa thu, thời điểm trăng tròn nhất. Nhật Bản không còn sử dụng lịch âm, nhưng Tết Trung Thu hàng năm vẫn được tổ chức khá lớn. Trong dịp lễ, người Nhật vừa ngắm trăng tròn, vừa thưởng thức những món ăn truyền thống, đặc biệt là bánh Tsukimi dango - bánh nếp nhỏ xinh và tròn trịa tượng trưng cho vầng trăng trên trời.

Trong tiếng Nhật "Tsukimi" có nghĩa là "ngắm trăng", còn chữ "O" thường được thêm vào phía trước để thể hiện sự trang trọng. Lễ hội thường diễn ra vào ngày 15 tháng 8 âm lịch, tức là vào khoảng tháng 9 đến 10 dương lịch.
Có giả thuyết cho rằng Otsukimi bắt nguồn từ Tết Trung Thu của Trung Quốc. Ngày lễ này được lưu truyền vào đảo quốc Nhật Bản thông qua những đoàn đi sứ nhà Đường trong thời kỳ Heian (794 - 1185). Ban đầu, Otsukimi chỉ dành cho hoàng gia và tầng lớp quý tộc, nhưng thời kỳ Edo (1603 - 1868) thì nó đã được phổ biến rộng rãi như một lễ hội dân gian. Những mùa lễ Otsukimi đầu tiên được người dân tổ chức vào giai đoạn sau khi đã thu hoạch hoa màu mùa hạ và chuẩn bị bước vào mùa gặt lúa nước, với mục đích cầu xin thần linh mang đến những vụ mùa tươi tốt cho con người. Với ý nghĩa đó, Otsukimi đã đi sâu vào đời sống tinh thần của con người Nhật Bản.

Otsukimi

2.3 Ẩm thực Trung Thu:

Tsukimi dango giống như bánh trôi nước, nhưng được nướng sơ qua cho nóng giòn. Khi ăn bánh, người ta thường thêm chút mật đường ngọt lịm lên trên. Bánh luôn được đặt trang trọng trên một chiếc kệ nhỏ ngay hiên nhà, thích hợp cho việc vừa ngắm trăng vừa nhâm nhi. Bên cạnh nhân vật chính là Tsukimi dango, lễ Trung Thu ở Nhật còn có sự góp mặt của khoai lang, hạt dẻ, các loại mì như soba, ramen...

Tsuki-Dango ( nguồn: sylviawakana.com)

Phía trên là những nét đặc trưng về Tết Trung Thu ở Trung Quốc và Nhật Bản mà trainghiemlambanh.com muốn gửi đến cho bạn đọc. Cảm ơn các bạn đã xem bài viết nhé.

Nguồn: tổng hợp

Bình luận