Tết Trung thu- ý nghĩa của ngày Rằm Tháng Tám

  • 05/09/2023
  • 123

Tết Trung Thu hay còn được gắn với nhiều cái tên khác như là Tết Thiếu Nhi, Tết Trông Trăng. Thời gian diễn ra Tết Trung Thu là vào ngày Rằm Tháng Tám (15 Tháng 8 âm lịch) hàng năm. Đây đồng thời cũng là ngày giữa mùa thu, thời điểm mặt trăng tròn, to và đẹp nhất trong năm. Đã bao giờ bạn đặt câu hỏi về “Nguồn gốc của ngày Tết này chưa?”. Bài viết dưới đây sẽ là những thông tin về ngày Tết Trung thu mà trainghiemlambanh.com muốn gửi đến bạn đọc

   1. Nguồn gốc của Tết Trung thu

1.1 Hậu Nghệ - Hằng Nga

1.2 Tích Chú Cuội cung trăng

1.3 Nguồn gốc Tết Trung thu dưới góc nhìn khoa học

   2. Ý nghĩa của ngày Tết Trung thu

1. Nguồn gốc của Tết Trung thu:

Về nguồn gốc của ngày Tết này, đến nay vẫn còn nhiều nghi vấn. Theo ghi chép của các nhà nghiên cứu sử thì có rất nhiều tích sử giải thích về nguồn gốc của ngày lễ Trung Thu. Trong đó, có 3 câu chuyện được nhiều người đồng tình nhất.

 1.1 Hậu Nghệ - Hằng Nga

       Dân gian Trung Hoa có lưu truyền tích Hậu Nghệ - Hằng Nga giải thích cho nguồn gốc của ngày lễ Trung Thu. Theo đó, Hậu Nghệ là một người dân thường dưới thời vua Nghiêu có khả năng trường sinh bất lão, thiện xạ siêu hạng vang danh thiên hạ. Hằng Nga là tiên nữ hầu cận trong phủ Tây Vương Mẫu. Trong một lần xuống nhân gian nàng đã nên duyên cùng Hậu Nghệ. Năm đó, nhân gian gặp đại họa, một ngày mọc tận 10 mặt trời, nhân gian như bể lửa, người chết vô số kể. Hậu Nghệ được lệnh vua Nghiêu bắn rơi 9 mặt trời. Sau khi hoàn thành lệnh vua, chàng về nhà và phát hiện Hằng Nga - vợ của mình đã uống tiên dược bay lên trời. Chàng 1 mạch đuổi theo nhưng không kịp. Hàng Nga đã bay đến cung trăng và bị nhốt ở đấy. Quá đau lòng chàng đã xây đài vọng nguyệt. Hàng năm vào ngày rằm giữa thu, trăng sáng tỏ, to rõ và gần mặt đất nhất. Lúc này, đôi vợ chồng xa cách có thể gần nhau hơn.

Hậu Nghệ bắn mặt trời, Hằng Nga lên cung trăng

Hậu Nghệ- Hằng Nga (nguồn: tổng hợp)

1.2 Tích Chú Cuội cung trăng

      Tại Việt Nam cũng có câu chuyện về nguồn gốc của ngày lễ Trung Thu. Trong đó, quen thuộc nhất chính là tích Chú Cuội cung trăng. Tương truyền trong dân gian có một chàng tiều phu tên là Cuội. Trong một lần vào rừng, chàng đã thấy hổ mẹ cứu con bằng nắm lá cây thần. Chàng liền đốn cây thần về nhà hành nghề Y cứu người. Danh tiếng của Cuội vang khắp nơi, được người đời ca tụng. Phúc chưa bao lâu họa đã đến. Vợ của Cuội bị giết hại. Chàng dùng cây thần cứu được vợ thế nhưng vợ chàng sau khi tỉnh dậy thần trí lẫn lộn. Trong một lần Cuội vắng nhà đã quên lời chồng dặn khiến cây thần bay về trời. Trong lúc hốt hoảng chàng nắm cây thần kéo lại rồi từ đó theo cây thần bay lên cung trăng.

Chú Cuội- Hằng Nga (nguồn: tổng hợp)

1.3 Nguồn gốc Tết Trung Thu dưới góc nhìn khoa học

       Theo các nhà khoa học, Tết Trung Thu bắt nguồn từ văn hóa nông nghiệp, nhất là nền văn minh lúa nước ở các nước châu Á. Người Trung Quốc cho rằng Trung Quốc bắt nguồn từ thời Xuân - Thu khi tìm thấy một vài tài liệu văn cổ nhắc đến ngày lễ này tại các đồng bằng ở phía Nam Trung Quốc. Tại Việt Nam, dấu tích của ngày lễ Trung Thu được tìm thấy trên hoa văn mặt trống Đồng Ngọc Lũ. Ngoài ra, trên bia đá ở chùa Đọi xây dựng từ thời vua Lý (năm 1121) có ghi Tết Trung Thu là một lễ truyền thống diễn ra tại kinh thành Thăng Long. Vào ngày này, người dân vui chơi, nghỉ ngơi thưởng trăng sau kỳ thu hoạch được mùa.

Nguồn gốc Tết Trung thu: Tết Trung thu có nguồn gốc từ quốc gia nào?

Tết Trung thu dưới góc nhìn khoa học (nguồn: tổng hợp)

     2. Ý nghĩa của ngày Tết Trung Thu

      Tết Trung Thu được nhiều người chào đón và mong chờ bởi ý nghĩa mà ngày lễ này mang lại. Đối với trẻ nhỏ, Tết Trung Thu là một ngày hội để vui chơi với nhiều hoạt động truyền thống như ăn quà bánh, rước đèn, xem múa lân,... Bác Hồ rất coi trọng việc vui chơi của trẻ em vào ngày Trung Thu. Bác đã từng viết thư chúc mừng Trung Thu nhi đồng toàn quốc. Kể từ đó, ý nghĩa ngày Tết Trung Thu là Tết Thiếu Nhi càng được nhiều người nhắc đến. Tết Trung Thu cũng là Tết Đoàn Viên vì vào ngày này, hầu như tất cả mọi người đều quây quần về bên gia đình của mình. Cả gia đình lớn bé quây tụ bên mâm bánh nướng, bánh dẻo thơm ngon, nhấp trà thưởng nguyệt vô cùng ấm áp. Những lời chúc mừng, thăm hỏi nhau càng làm cho tình thân thêm phần nồng đậm, gắn kết. Ngoài ra, trong dân gian xưa, Tết Trung Thu còn là một ngày lễ quan trọng của những người làm nghề nông. Dựa vào sắc trăng, hình dáng trăng của ngày Trung Thu có thể dự đoán được mùa màng cho năm sau. Nếu trăng năm ấy sáng rõ chứng tỏ mùa màng bội thu.

Nguồn gốc, ý nghĩa và món ăn tết Trung Thu (Chuseok) của người Hàn

Ý nghĩa của ngày Tết Trung thu (nguồn: tổng hợp)

Vậy là chúng ta đã tìm hiểu về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của ngày Tết Trung thu cùng trainghiemlambanh.com rồi nè. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết nhé ^^

Nguồn: tổng hợp

Bình luận